VNReport»Kinh tế»Nhu cầu điện cao khiến nhập khẩu than của Việt Nam lên cao nhất 3 năm

Nhu cầu điện cao khiến nhập khẩu than của Việt Nam lên cao nhất 3 năm

17:41 - 12/07/2023

Dữ liệu từ Kpler cho thấy khối lượng nhập khẩu than nhiệt của Việt Nam trong mỗi tháng 5 và tháng 6 cao hơn gấp đôi mức trung bình tháng của năm 2022.

Nhu cầu tiêu thụ điện cao trong mùa hè năm nay và thiếu hụt công suất thủy điện khiến khối lượng nhập khẩu than nhiệt của Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 tăng lên mức cao nhất 3 năm qua.

Dữ liệu từ Kpler cho thấy Việt Nam tăng nhập khẩu than nhiệt lên hơn 3 triệu tấn trong mỗi tháng 5 và tháng 6 năm nay, từ mức trung bình khoảng 1,5 triệu tấn/tháng trong năm 2022.

Đợt tăng nhập khẩu gần đây đưa tổng lượng than mà Việt Nam mua của nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 lên khoảng 13,5 triệu tấn, cao nhất trong các nửa đầu năm kể từ năm 2020 – khi mà lượng than nhập khẩu cả năm của Việt Nam đạt kỷ lục.

Việt Nam nhập khẩu 13,5 triệu tấn than nhiệt trong nửa đầu năm 2023.

Việt Nam nhập khẩu 13,5 triệu tấn than nhiệt trong nửa đầu năm 2023.

Nhập khẩu than tăng mạnh khi các nhà máy nhiệt điện than thúc đẩy công suất để theo kịp nhu cầu tiêu thụ điện sản xuất và sinh hoạt trong những ngày nắng nóng, cùng lúc với tình trạng thiếu nước ở các hồ thủy điện do hạn hán. Điều này có thể làm tăng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Năm 2022, nước ta là nước phát thải CO2 lớn thứ 18 thế giới.

Trước khi tăng vọt trong mùa hè này, nhập khẩu than nhiệt của Việt Nam có một giai đoạn im ắng kéo dài, khi luôn ở dưới 2,5 triệu tấn trong tất cả các tháng từ tháng 8/2020 đến tháng 4/2023. Mức nhập khẩu trung bình trong năm 2021 và 2022 là 1,4 triệu tấn/tháng khi sản lượng điện tái tạo tăng lên.

Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia trong những năm qua, khi họ tìm địa điểm đầu tư ngoài Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Điều này thúc đẩy nhu cầu điện sản xuất. Cùng với đó, các nhà máy điện cũng phải đáp ứng nhu cầu điện cao hơn dành cho điều hòa không khí trong các văn phòng và hộ gia đình. Công suất tiêu thụ điện ở miền Bắc đạt kỷ lục trong mùa hè này khi khu vực chìm trong nắng nóng gay gắt.

Trong năm 2022, than chiếm khoảng 38% sản lượng điện của Việt Nam, theo Ember. Nhưng vào tháng 3, tỷ lệ này tăng lên hơn 50%. Hiện chưa có dữ liệu về sản lượng điện từ tháng 3.

Trước đây, khi nhập khẩu than nhiệt tăng thì sản lượng nhiệt điện than và lượng phát thải cũng tăng theo một vài tuần đến 1 tháng sau đó. Năm 2020, lượng than nhập khẩu của nước ta đạt đỉnh vào tháng 5 với hơn 5,1 triệu tấn, trong khi lượng khí thải từ nhiệt điện than cũng đạt đỉnh trong tháng đó với gần 10,5 triệu tấn CO2 và các loại khí tương đương, theo dữ liệu từ Kpler và Ember.

Với nhập khẩu than trong 2 tháng vừa qua tăng gần gấp đôi mức trung bình cả năm trước, nhiều khả năng tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu sản xuất điện cũng tăng mạnh. Điều đó nhiều khả năng gây ra mức phát thải cao hơn, đặc biệt ở miền Bắc, nơi có phần lớn các nhà máy nhiệt điện than của cả nước.

Các chỉ số chất lượng không khí gần đây cho thấy chất lượng không khí ở miền Bắc đang xấu đi so với đầu năm và so với các thành phố khác trong khu vực ít phụ thuộc vào điện than hơn. Những chỉ số này có thể còn kém thêm trong những tuần tới khi sản lượng điện than tăng lên và ở mức cao cho đến cuối mùa hè.