VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,8 triệu tỷ đồng

Giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,8 triệu tỷ đồng

08:04 - 14/07/2023

Tính trung bình đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách.

Thị trường bất động sản (BĐS) là một trong những thị trường rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân, thu hút các nguồn lực và thúc đẩy các  thị trường khác cùng phát triển (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động, khoa học công nghệ…), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, thu hút du lịch… .

Trong những năm qua, đóng góp của hoạt động BĐS đối với GDP có xu hướng tăng (ngành kinh doanh BĐS khoảng 3,6%; ngành xây dựng khoảng 10,6% theo số liệu của TCKT đến năm 2022).  Giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng. Tính trung bình đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP).

Mặc dù có những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều để tiếp tục phát triển và bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% và đến năm 2030 là 22,0%.

Đầu tiên phải kể đến quá trình đô thị hóa tại Việt nam tăng nhanh. Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, dẫn đến xu hướng đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị, xu hướng di cư từ nông thôn ra đô thị dự báo vẫn tiếp diễn.

Tỉ lệ đô thị hóa Việt Nam tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2010 – 2020, từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% vào năm 2020; tốc độ tăng tỉ lệ đô thị hóa giai đoạn 2010 – 2020 là 2,75%/năm. Điều đó có nghĩa là sau khoảng 25 năm nữa, nếu vẫn giữ tốc độ tăng đô thị hóa như hiện này thì tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi.

Với tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị ngày càng tăng, các đô thị lớn thu hút lực lượng lao động thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội, có giá thành phù hợp tiếp tục tăng cao. Sự gia tăng quy mô kèm theo cơ cấu dân số trẻ tăng nhanh ở khu vực đô thị sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhà ở phù hợp với các nhóm gia đình trẻ đô thị trong trung hạn tiếp tục tăng cao.

Thứ hai là vấn đề dân số. Năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị đạt 36,8%. Tỉ lệ tăng dân cư đô thị giai đoạn 2010-2020 theo tính toán từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê là 3,1%/năm cao hơn so với mức tăng trung bình 2,5% của các quốc gia Đông Nam Á.  Trong khi đó tốc độ tăng trưởng tỉ lệ đô thị hóa trong cùng giai đoạn theo tính toán của Tổng cục Thống kê là 1,9%/năm. Điều này hàm ý tỉ lệ dân cư đô thị sẽ tăng gấp đôi sau 38 năm.

Thứ ba là theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 27m2 vào năm 2025, đạt khoảng 30m2 vào năm 2030 nhưng hiện nay mới đạt khoảng 25,6m2.

Đến nay, có tổng số 3.823 dự án xây dựng nhà ở đã được phê duyệt. Trong đó có 2.545 dự án nhà ở thương mại chiếm khoảng 66.6% tổng số lượng dự án, có 483 dự án nhà ở xã hội chiếm 12.6% tổng số lượng dự án, có 350 dự án nhà ở tái định cư chiếm 9,15% tổng số lượng dự án. Như vậy, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu thực tế.

Bốn là Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn lớn về sản xuất. Thị trường BĐS công nghiệp tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN) được chấp thuận.

Sự quan tâm từ các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn, đặc biệt xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như: nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn, trung tâm dữ liệu…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp. Có khoảng hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp này, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN của các địa phương giai đoạn 2021 – 2030 vào khoảng 2.400.000 căn; trong đó giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 1.160.000 căn

Năm là lĩnh vực du lịch tăng trưởng trở lại. Đối với BĐS cho thuê, khách sạn là loại hình BĐS có mức tăng trưởng tốt nhất trong nửa đầu năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với năm trước cùng với các đợt nghỉ lễ dài ngày trong 6 tháng đầu năm đã tác động tích cực tới công suất cho thuê và giá cho thuê khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Công suất thuê và giá cho thuê đối với chung cư cho thuê và mặt bằng trung tâm thương mại cơ bản ổn định.

Ngoài ra, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang cho thấy hiệu quả. Đây là dư địa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo thêm động lực cho mọi hoạt động phát triển kinh tế

Cuối cùng là  Đề án “ Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” thúc đẩy thị trường bất động sản cân đối cơ cấu nguồn cung.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội và cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ có sự phục hồi, phát triển. Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu như Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% và đến năm 2030 là 22,0%.