VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Chất tạo ngọt không gây nguy cơ ung thư nếu uống dưới 14 lon nước ngọt mỗi ngày

Chất tạo ngọt không gây nguy cơ ung thư nếu uống dưới 14 lon nước ngọt mỗi ngày

07:53 - 15/07/2023

Gần đây, chất tạo ngọt nhân tạo aspartame bị WHO đưa vào danh sách các chất “có thể gây ung thư cho con người”. Nhưng tổ chức này cho biết chỉ có những người tiêu thụ quá nhiều mới phải đối mặt với rủi ro ung thư cao hơn.

Chất tạo ngọt nhân tạo aspartame không gây nguy cơ ung thư ở mức tiêu thụ thông thường, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Gần đây, chất này – được sử dụng trong các sản phẩm như nước ngọt – bị WHO đưa vào danh sách các chất “có thể gây ung thư cho con người”. Nhưng chỉ có những người tiêu thụ quá nhiều mới phải đối mặt với rủi ro ung thư cao hơn, một nhóm chuyên gia kết luận.

Giới hạn an toàn hiện tại được đặt ở mức 40 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Một người trưởng thành nặng 70 kg cần tiêu thụ 14 lon nước ngọt không đường (mỗi lon chứa 200 mg aspartame) mới vượt qua giới giới hạn này.

Về mặt lý thuyết, một đứa trẻ nặng 20 kg có thể tiêu thụ 2-3 lon mỗi ngày mà không chịu rủi ro từ aspertame, WHO cho biết. Mặc dù vậy, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc lưu ý rằng đó không phải là thói quen tốt.

Aspartame bắt đầu được các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống sử dụng nhiều từ những năm 1980 trong bối cảnh quy định sử dụng đường bị thắt chặt. Ngoài nước giải khát, nó còn được dùng trong các sản phẩm từ kẹo cao su, sữa chua đến một số loại kem đánh răng và thuốc ho.

Các quan chức WHO khẳng định họ “chắc chắn” không kêu gọi các nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng loại bỏ những sản phẩm có aspertame khỏi thị trường. Tuy nhiên, họ kêu gọi các nhà sản xuất xem xét cải tiến công thức sản phẩm và mọi người vẫn nên hạn chế tiêu thụ chất làm ngọt.

Việc tái phân loại chất aspartame lần đầu tiên bị rò rỉ vào tháng trước, trong một quyết định gây chấn động thị trường sản xuất thực phẩm toàn cầu. Nhưng khi đó, các chuyên gia độc lập nói rằng rủi ro bị thổi phồng quá mức và mọi người không cần thiết phải thay đổi chế độ ăn uống của họ.

Giáo sư Gunter Kuhnle – một chuyên gia về dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Reading – nói với MailOnline: “Sự lo lắng đã bị thổi phồng. Thật không may, vì aspartame (và các chất làm ngọt khác) là một cách để giảm lượng đường trong khi vẫn giữ được vị ngọt. Theo tôi, gây sợ hãi cho mọi người và sử dụng sai dữ liệu để thuyết phục họ thay đổi chế độ ăn uống là một cách làm khá phi đạo đức”.

Giáo sư Tom Sanders – một chuyên gia về chế độ ăn uống tại King’s College London – nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tách các rủi ro giả định khỏi các mối nguy đối với sức khỏe”.

Phán quyết đưa aspartame vào danh sách các chất có thể gây ung thư đến từ hai cơ quan trực thuộc riêng biệt của WHO.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) tuyên bố aspartame là một chất có thể gây ung thư. Quyết định của họ dựa trên bằng chứng hạn chế thu thập trong 2 thập kỷ qua rằng nó có thể gây ung thư biểu mô tế bào gan. Trong những năm qua, một số nghiên cứu cũng cho rằng nó gây ung thư cho động vật và nêu bật các cơ chế có thể giải thích mối liên hệ này. Hội đồng IARC đánh giá rủi ro ở mức 2B, nghĩa là có bằng chứng hạn chế nhưng không thuyết phục.

Aspartame được xếp cùng loại với những thứ như nha đam, khí thải động cơ xăng, chì và rủi ro nghề nghiệp của thợ làm tóc.

Phán quyết này chỉ liên quan đến mức độ thuyết phục của bằng chứng gây ung thư, chứ không phải mức độ rủi ro mà aspartame gây ra. Câu hỏi đó được giao cho Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, hợp tác với WHO.

Họ kết luận không có bằng chứng thuyết phục rằng aspartame có thể gây ung thư nếu được tiêu thụ trong giới hạn được WHO đặt ra.

Các chuyên gia cho biết quyết định này là do bằng chứng mới “không đủ thuyết phục hoặc không liên quan đến mức độ mà chúng ta tiêu thụ”. Ngược lại, mối nguy hại của đường đối với sức khỏe là “rõ ràng và có thật”, giáo sư Sanders cho biết. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì và các biến chứng do béo phí, và làm hỏng răng.

Giáo sư Naveed Sattar – một chuyên gia về y học trao đổi chất tại Đại học Glasgow – cho biết ông “yên tâm” với phán quyết này. “Tôi vẫn thoải mái khi khuyến nghị bệnh nhân cân nhắc chuyển từ đồ uống có đường sang đồ uống không đường hoặc lý tưởng nhất là nước như một cách để giảm lượng đường tiêu thụ”.

IARC và JECFA kêu gọi nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mối liên hệ giữa ung thư và aspartame để có thể đưa ra khuyến nghị thiết thực hơn trong tương lai.

Sir David Spiegelhalter – giáo sư danh dự về thống kê tại Đại học Cambridge – nhận xét rằng quyết định của IARC “đang trở nên hơi lố bịch”. “Như họ đã nói trong 40 năm, người bình thường vẫn an toàn khi uống tới 14 lon nước ngọt không đường mỗi ngày … Và ngay cả “lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được” này cũng bao gồm một hệ số an toàn lớn”.