VNReport»Kinh tế»Tài chính»Hơn hai tỷ USD trái phiếu đến hạn của Trung Quốc khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng

Hơn hai tỷ USD trái phiếu đến hạn của Trung Quốc khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng

10:38 - 19/05/2021

Nước này đối mặt với chi phí nợ phục vụ cơ sở hạ tầng khổng lồ trong 3 năm tới.

Vấn đề nợ nần chồng chất của các công ty được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc đang bắt đầu khiến các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu lo lắng.

Các trái phiếu này đang chịu áp lực bán ra vì các nhà đầu tư tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không còn cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước. Các vụ vỡ nợ đột ngột của các công ty vay nợ lớn ở Trung Quốc có thể làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Chi phí trả nợ của các công ty Trung Quốc đang tăng cao, với 2,14 nghìn tỷ USD trái phiếu đáo hạn từ nay đến năm 2023, cao hơn 60% so với giá trị trái phiếu đáo hạn từ năm 2018 đến năm 2020.

Trị giá trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp Trung Quốc trong 3 năm tới cao hơn 60% so với 3 năm trước đó

Trị giá trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp Trung Quốc 3 năm tới cao hơn 60% so với 3 năm trước.

Công ty Quản lý tài sản Huarong của Trung Quốc (China Huarong Asset Management), do nhà nước nắm đa số, chuyên mua lại và quản lý các khoản cho vay kém hiệu quả, hiện đang đấu tranh cho sự sống còn của chính mình. Một đơn vị ở Huarong của Trung Quốc đã được các ngân hàng chủ nợ chấp thuận hoãn trả khoản nợ 100 triệu USD cho đến cuối tháng 8. Công ty này cũng đang đẩy mạnh việc bán cổ phần trong các công ty như Nanjing Panda Electronics.

Tập đoàn Huarong có gần 330 tỷ nhân dân tệ (51,11 tỷ USD) trái phiếu đang lưu hành, gần 60% trong số đó sẽ đáo hạn từ nay đến 2023.

Huarong không phải là con nợ lớn duy nhất đối mặt với cơn sốt trả nợ trái phiếu. Tổng giá trị số trái phiếu này sẽ là 748 tỷ USD vào năm 2021, 669 tỷ USD vào năm 2022 và 727 tỷ USD vào năm 2023, theo dữ liệu do Refinitiv tổng hợp. Các công ty Trung Quốc thường phát hành trái phiếu có kỳ hạn tương đối ngắn từ 1 đến 3 năm. Với việc tiếp tục phát hành trái phiếu mới, giá trị trả nợ dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng.

Các doanh nghiệp nhà nước lớn có số nợ phải trả lớn nhất. Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, do chính phủ trực tiếp điều hành, sẽ trả nợ khoảng 90 tỷ USD trái phiếu từ nay đến cuối năm 2023, trong khi Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc sẽ trả khoản nợ khoảng 14 tỷ USD. Hai công ty không niêm yết này đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ, một phần do thiếu kiểm soát chi phí.

Các công ty xây dựng và kỹ thuật dân dụng, cùng với các nhà điều hành đường sắt và lưới điện, sẽ trả nợ 600 tỷ USD, tương đương 30%, tất cả các trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc từ nay cho đến 2023.

Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc có 90 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong 3 năm tới

Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc có 90 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong 3 năm tới

Giới lãnh đạo Trung Quốc có ý định cắt giảm các khoản bảo lãnh ngầm của chính phủ để ngăn các khoản nợ vượt mức của các doanh nghiệp nhà nước làm tổn hại đến uy tín tín dụng của chính phủ. Tuy nhiên, các vụ vỡ nợ trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đang tăng với tốc độ kỷ lục, tổng cộng 95 tỷ nhân dân tệ trong 4 tháng đầu năm nay. Các khoản vỡ nợ sẽ tăng thêm nếu sự hỗ trợ của chính phủ suy giảm trong bối cảnh các khoản đáo hạn ngày càng tăng.

Jia Shen, phó nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện, cho biết các công ty Trung Quốc vẫn đang mua thêm tài sản, ngay cả khi hiệu quả đầu tư của họ giảm sút.

Việc mua lại trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ ngày càng tăng cho thấy quy mô nợ của Trung Quốc đang lớn dần. Vì trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ một phần là chuyển đổi từ hình thức cho vay ngân hàng, nên người mua chủ yếu là các tổ chức Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến xu hướng vay nợ bằng ngoại tệ, vốn chiếm gần 10% thị trường Trung Quốc. Với số lượng trái phiếu dạng này trị giá 172 tỷ USD sẽ đáo hạn từ nay đến 2023, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo lắng khi các khoản vỡ nợ với các trái phiếu này cũng đang tăng lên.

Kể từ năm 2020, các vụ vỡ nợ đã xảy ra đối với hơn 10 loại trái phiếu mệnh giá USD, theo các nhà cung cấp thông tin tài chính như Refinitiv. Peking University Founder Group, một công ty công nghệ thông tin do trường đại học Bắc Kinh thành lập, không thể trả nợ gốc và lãi cho trái phiếu mệnh giá USD của mình khi thực hiện thủ tục phá sản có tên “chong zheng” vào tháng 2 năm 2020.

Founder Group đính kèm một điều khoản “keep well” cho một số trái phiếu USD do một công ty con phát hành. Trong khi điều khoản này thường có nghĩa là sức khỏe tài chính của một công ty được đảm bảo bởi công ty mẹ của nó, Founder Group nói rằng điều khoản này không yêu cầu tập đoàn này phải trả nợ cho công ty con của mình. Một số nhà đầu tư nước ngoài được cho là đã phản ứng bằng cách tìm cách giải quyết pháp lý.

Tsinghua Unigroup đã nhiều lần vỡ nợ đối với trái phiếu USD. Đơn vị Hồng Kông của Citigroup đã phản ứng bằng cách đệ đơn kiện vào tháng Hai, yêu cầu công ty bán dẫn nhà nước này trả gốc và lãi cho khoản nợ của mình.

Một quan chức ngân hàng nước ngoài cho biết khi các công ty Trung Quốc thường xuyên bỏ mặc các khoản nợ, trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các ngân hàng chính phủ phát hành gần như là kênh đầu tư duy nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.

Dữ liệu chỉ ra rằng các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi trái phiếu do các doanh nghiệp Trung Quốc phát hành. Theo FTSE Russell, phần chênh lệch lợi suất của trái phiếu cấp đầu tư do các công ty Trung Quốc phát hành đã tăng 0,4% so với trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 4. Sự gia tăng này trái ngược với khoản chênh lệch lợi suất đang thu hẹp của trái phiếu Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia và các trái phiếu khác, trong bối cảnh dư thừa thanh khoản trên toàn thế giới.

Thị trường trái phiếu có thể bị sốc nếu các khoản bảo lãnh chính phủ ngầm của Trung Quốc bị giảm nhanh chóng. Kenneth Ho của Goldman Sachs cảnh báo về những tác động bất lợi của việc thay đổi chính sách đột ngột, nói rằng điều quan trọng là chính phủ phải ngăn chặn những lo ngại mang tính hệ thống lan rộng.

Thị trường trái phiếu có thể bị sốc nếu chính phủ Trung Quốc đột ngột cắt giảm các khoản bảo lãnh ngầm

Thị trường trái phiếu có thể bị sốc nếu chính phủ Trung Quốc đột ngột cắt giảm các khoản bảo lãnh ngầm

Trung Quốc đã nhanh chóng đưa cuộc khủng hoảng COVID-19 vào tầm kiểm soát và thu hút đầu tư từ nước ngoài, nhờ vào mức lãi suất các khoản nợ của nước này cao hơn so với Mỹ và các nước khác. Nhưng tình hình đang bắt đầu thay đổi khi các vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài tăng lên với tần suất ngày càng lớn.