VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Mỹ tăng tốc trong quý II

Kinh tế Mỹ tăng tốc trong quý II

10:06 - 28/07/2023

Nguy cơ suy thoái giảm bớt khi kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trong quý gần nhất.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn trong quý II, trái với dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đẩy lãi suất lên cao nhất trong hơn 2 thập kỷ.

Ngày 27/7, Bộ Thương mại cho biết GDP Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,4% trong quý gần nhất (tính trên cơ sở năm, điều chỉnh theo mùa và lạm phát). Con số này nhanh hơn dự kiến của các nhà kinh tế và cao hơn mức tăng trưởng 2% trong 3 tháng đầu năm.

Chi tiêu tiêu dùng hạ nhiệt nhưng vẫn tăng đủ để thúc đẩy tăng trưởng chung, cùng với đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn nhiều. Những yếu tố đó kết hợp lại giúp kinh tế Mỹ vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế rằng một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào giữa năm nay do lãi suất cao.

Khi lạm phát giảm từ mức cao lịch sử và thị trường lao động vẫn mạnh, tăng trưởng vững chắc làm gia tăng triển vọng “hạ cánh mềm” – khi mà lạm phát trở lại gần với mục tiêu 2% của Fed mà không có suy thoái.

“Chúng ta đã vượt qua rủi ro cao nhất và thay vì nghiêng hẳn về suy thoái, triển vọng cân bằng giữa suy thoái và không suy thoái”, Amy Crews Cutts – nhà kinh tế trưởng của AC Cutts & Associates – cho biết trước khi dữ liệu được công bố.

Ngày 26/7, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 0,25 điểm phần trăm lên khoảng từ 5,25% đến 5,5% – mức cao nhất trong 22 năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các dữ liệu kinh tế mới sẽ quyết định liệu lãi suất có tăng thêm nữa hay không.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ hơn 2% trong một năm qua, sau khi có sự thu hẹp nhẹ hồi đầu năm 2022. Tăng trưởng kinh tế gần bằng với tốc độ ghi nhận trong thập kỷ trước đại dịch.

Chi tiêu tiêu dùng tăng với tốc độ tính trên cơ sở năm 1,6% trong quý II, giảm so với mức tăng trưởng 4,2% trong quý đầu năm. Chi tiêu tiêu dùng chiếm phần lớn hoạt động kinh tế và đóng góp gần một nửa tổng mức tăng GDP. Sự chậm lại chủ yếu phản ánh sức mua hạ nhiệt cho các mặt hàng giá trị lớn sau khi người Mỹ đổ xô mua xe ô tô mới hồi đầu năm. Nó cũng phản ánh giá xăng thấp hơn, theo giám đốc tài chính Vasant Prabhu của Visa.

Người Mỹ đang hưởng lợi từ một thị trường lao động mạnh mẽ, với tốc độ tăng lương gần đây vượt qua lạm phát đang hạ nhiệt. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 7.000 vào tuần trước xuống còn 221.000 (điều chỉnh theo mùa). Đó là mức thấp trong lịch sử, tương đương với trung bình năm 2019 khi thị trường lao động cũng mạnh mẽ.

Đầu tư kinh doanh tăng trưởng với tốc độ tính trên cơ sở năm 7,7% trong quý II, tăng mạnh so với tốc độ 0,6% trong quý đầu năm. Một số động lực dài hạn đang giúp thúc đẩy đầu tư mặc dù lãi suất cao hơn. Chi tiêu của chính phủ liên bang tăng lên cho các nhà máy sản xuất chip và nhà máy sản xuất xe điện đang bù đắp cho những khoản cắt giảm.

Chi tiêu kinh doanh cho thiết bị tăng trở lại trong quý II, phần lớn do các khoản đầu tư vào máy bay và phương tiện khi chuỗi cung ứng được gỡ rối. Khi quá trình đó kết thúc, chi tiêu cho thiết bị và máy móc nhiều khả năng sẽ yếu trở lại, theo Richard F. Moody – nhà kinh tế trưởng tại Regions Financial.

Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế.

Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế.

Dù tình hình quý II khả quan, câu hỏi là liệu người tiêu dùng và doanh nghiệp có giữ được chi tiêu về cuối năm hay không. Lãi suất cao sẽ kéo dài, khiến chi phí vay mua xe cộ, thiết bị gia dụng, máy móc nhà xưởng và các dự án xây dựng trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, các khoản trả nợ vay sinh viên sẽ được nối lại vào cuối năm, là một trở ngại nữa cho một số người tiêu dùng.

Giám đốc tài chính của Unilever cho biết người tiêu dùng ở Bắc Mỹ “bắt đầu có dấu hiệu thận trọng” khi họ chi tiêu số tiền tiết kiệm tích lũy được trong đại dịch. “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng có khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ”, ông nói.

Nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng tăng trưởng sẽ chậm lại vào cuối năm nay và sang năm 2024, nhưng họ đang bớt lo ngại về khả năng suy thoái. Viện nghiên cứu Conference Board cho biết niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cải thiện trong tháng 7, với nhiều người bày tỏ lạc quan hơn về tương lai. Người tiêu dùng ít lo lắng hơn về suy thoái kinh tế.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng cảm thấy tốt hơn về nền kinh tế. Trong tháng này, 37% doanh nghiệp nhỏ tin rằng nền kinh tế sẽ xấu đi trong 12 tháng tới – thấp nhất kể từ tháng 2/2022, theo công ty tư vấn Vistage Worldwide.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu trong năm nay có thể sẽ mạnh hơn so với ước tính trước. Triển vọng cải thiện phản ánh sức mạnh của thị trường lao động, chi tiêu mạnh cho các dịch vụ như du lịch và rủi ro thấp hơn đối với ổn định tài chính.