VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu giảm 5 tháng liền, chuỗi dài nhất kể từ năm 2009

Xuất khẩu giảm 5 tháng liền, chuỗi dài nhất kể từ năm 2009

10:58 - 31/07/2023

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 giảm 3,5% so với cùng kỳ và lũy kế 7 tháng giảm 10,6%.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 7, chuỗi giảm dài nhất trong 14 năm.

Theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7, kim ngạch xuất khẩu trong tháng này của cả nước đạt 29,7 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 27,5 tỷ USD, giảm 9,9%. Tổng kim ngạch thương mại đạt 57,2 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, tình hình xuất nhập khẩu cải thiện nhẹ, với giá trị xuất khẩu tăng 0,8%, nhập khẩu tăng 4,4% và tổng kim ngạch thương mại tăng 2,5%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 51,5 tỷ USD, giảm 10,2% và chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,2 tỷ USD, giảm 10,8% và chiếm 73,6%.

Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là điện tử, máy tính và linh kiện đạt giá trị 30,8 tỷ USD từ đầu năm, giảm 3% so với cùng kỳ.

Những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm khác đều ghi nhận mức giảm 2 chữ số. Ví dụ: điện thoại và linh kiện đạt 27,8 tỷ USD sau 7 tháng, giảm 18,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phương tiện khác giảm 10,4%. Các mặt hàng dệt may và giày dép giảm trên 15%.

Lũy kế 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 16,1% xuống còn 64,1 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 17,7%.

Có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, bao gồm 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện; và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 52,4 tỷ USD sau 7 tháng, bằng gần 1,7 lần so với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc (31,6 tỷ USD). EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta với kim ngạch 25 tỷ USD, sau đó lần lượt là ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với giá trị 58,6 tỷ USD từ đầu năm, theo sau là Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 nghiêng về xuất siêu với giá trị 2,2 tỷ USD, thúc đẩy thặng dư thương mại từ đầu năm lên 15,2 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,6 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,8 tỷ USD.