VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Thị trường bất động sản Việt Nam thiếu thương vụ M&A lớn

Thị trường bất động sản Việt Nam thiếu thương vụ M&A lớn

16:20 - 15/08/2023

Tình hình này có thể thay đổi trong nửa cuối năm khi những thương vụ như giao dịch 1,5 tỷ USD giữa CapitaLand và Vinhomes được ký kết.

Gamuda Land – đơn vị bất động sản của Gamuda Bhd từ Malaysia – vừa mua dự án thứ ba ở Việt Nam trong 2 năm qua. Đây là một trong những doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đang mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam.

Tháng trước, tờ New Strait Times đưa tin rằng Gamuda Land đã ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại Công ty Cổ phần Bất động sản Tâm Lực, đơn vị sở hữu khu dự án rộng 3,68 ha tại TP Thủ Đức, TP HCM, với giá 315,8 triệu USD.

Trong hồ sơ trình lên Sở giao dịch chứng khoán Malaysia, Gamuda cho biết địa điểm này là một dự án cao tầng hỗn hợp đã nhận được các phê duyệt cần thiết, sẵn sàng khởi công ngay lập tức.

Thương vụ mua lại này đưa Gamuda Land trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản nước ngoài hàng đầu trong hai năm qua, một phần nhờ chiến lược xoay vòng vốn nhanh các dự án, phát triển hai khu đô thị lớn tại Hà Nội và TP HCM. Hai dự án khác được Gamuda Land mua lại gần đây nằm ở TP HCM và Bình Dương.

Những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn đang tìm kiến những thương vụ M&A để tham gia thị trường bất động sản Việt Nam.

Những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn đang tìm kiến những thương vụ M&A để tham gia thị trường bất động sản Việt Nam.

Thời gian gần đây, thị trường ghi nhận một số giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) từ các phân khúc từng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như bán lẻ, khách sạn, khu dân cư.

Ông Phạm Anh Khôi thuộc Đất Xanh Services cho biết M&A và mở rộng hợp tác đang là xu hướng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng, có sự chuẩn bị tốt, có tiềm lực tài chính sẵn sàng hợp tác khi có cơ hội, ông cho biết. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước có sẵn đất nhưng thiếu vốn. Vì vậy, M&A là một trong những chiến lược khả thi cho cả hai.

Chuyên gia tài chính, bất động sản Trần Khánh Quang cho biết, trước đây các nhà đầu tư lớn trong nước chủ yếu săn lùng dự án của doanh nghiệp nhỏ để thâu tóm. Tuy nhiên, hoạt động M&A lại hoàn toàn khác khi bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn lớn gặp khó khăn. Ở kịch bản này, đối tác hầu hết là những quỹ đầu tư và tập đoàn bất động sản có vốn nước ngoài.

Bà Bùi Trang, Giám đốc quốc gia của Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lớn vào Việt Nam nhờ các nền tảng kinh tế hấp dẫn. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, M&A là một cơ hội tuyệt vời cho nhà đầu tư nước ngoài với dòng tiền. Quy trình đàm phán dần cởi mở hơn ở Việt Nam cũng sẽ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong thúc đẩy tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với nhà đầu tư trong việc tìm kiếm những cơ hội tốt và dự án chất lượng cao. Bà Trang cho biết dù có nhiều bất động sản được chào bán, danh sách các dự án mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại khá hạn chế, do các vấn đề về pháp lý, kỳ vọng giá và quy trình đền bù phức tạp. Hiện tại, hầu hết các dự án có nhiều vấn đề vẫn cần giải quyết.

Các giao dịch được ghi nhận từ đầu năm đến nay bao gồm nhiều thương vụ đầu tư và M&A bất động sản, nhưng vẫn thiếu các thương vụ lớn. Thị trường hiện đang chững lại, cộng với kinh tế toàn cầu chậm lại nên 6 tháng qua, nhà đầu tư vẫn chờ đợi diễn biến trên thị trường. Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt dự án hiện mất nhiều thời gian, khiến các nhà phát triển và nhà đầu tư thất vọng.

Thị trường đang chờ đợi những thương vụ M&A quy mô lớn trong nửa cuối năm. Một trong số đó là giao dịch trị giá 1,5 tỷ USD của tập đoàn bất động sản khổng lồ châu Á CapitaLand mua tài sản từ công ty bất động sản niêm yết lớn nhất Việt Nam, Vinhomes.

Thỏa thuận này đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Trong đó, CapitaLand xem xét mua một phần dự án Vinhomes Ocean Park 3 – khu đô thị phong cách nghỉ dưỡng rộng 300 ha gần Hà Nội – và một dự án khác ở Hải Phòng.

Trong khi đó, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường quan tâm mua lại các dự án bất động sản trong nước vào cuối năm.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch VARS, cho biết nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia cuộc chơi.

Các giao dịch M&A chủ yếu vẫn ở dạng chuyển nhượng cổ phần của một số dự án. Một số thương vụ là dự án riêng lẻ được đối tác nước ngoài mua đứt. Ông Thanh dự kiến hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Những thương vụ hoàn thành bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ chuyển sang giai đoạn đàm phán trong nửa cuối năm và thậm chí sang năm 2024.

Theo RCA và Cushman & Wakefield, giá trị các thương vụ đầu tư và M&A bất động sản trong nửa đầu năm 2023 là 711 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu các thương vụ lớn.