VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Xuất khẩu tháng 8 vẫn giảm, nhưng sản xuất công nghiệp cải thiện

Xuất khẩu tháng 8 vẫn giảm, nhưng sản xuất công nghiệp cải thiện

08:11 - 31/08/2023

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 8 giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước xuống 32,37 tỷ USD, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% trong tháng 8, tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp.

Nhập khẩu trong tháng 8 ước đạt 28,55 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ, dẫn đến thặng dư thương mại 3,82 tỷ USD.

 

Nhu cầu toàn cầu yếu trong năm nay gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần để kích thích tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP – tỷ lệ cao thứ hai ở châu Á sau Singapore.

GDP nửa đầu năm của Việt Nam tăng trưởng 3,72% so với cùng kỳ năm trước. Trừ những năm đại dịch, đây là tốc độ thấp nhất kể từ 2011. Mặc dù vậy, đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn cho biết Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra từ đầu năm, phấn đầu tăng trưởng 9% trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu này.

Trong 8 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp giảm 0,4% so với cùng kỳ, nhưng Tổng cục Thống kê cho biết số liệu này đang đi đúng hướng trong những tháng gần đây.

Nhu cầu toàn cầu yếu khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước cắt giảm hàng chục nghìn việc làm và khiến một số doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng để thúc đẩy sản xuất. Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm đạt 4,6%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam giảm 10% so với cùng kỳ xuống còn 227,71 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 16,2% xuống 207,52 tỷ USD. Thặng dư thương mại ước tính là 20,19 tỷ USD trong 8 tháng.

Xuất khẩu 8 tháng sang hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ, ví dụ như giảm 19,1% sang Mỹ và giảm 8,3% sang Liên minh Châu Âu.

Xuất khẩu điện thoại thông minh – mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – giảm 15,4%, trong khi xuất khẩu hàng may mặc giảm 15,0% và sản phẩm giày dép giảm 17,6%.

Doanh số bán lẻ 8 tháng tăng 10% so với cùng kỳ và tăng 7,6% trong tháng 8. Giá tiêu dùng tháng 8 tăng 2,96% so với một năm trước đó, mức cao nhất trong 5 tháng.

Sản lượng điện thoại thông minh – chủ yếu của Samsung Electronics – giảm 17,7% so với một năm trước đó xuống 119,9 triệu chiếc, trong khi sản lượng may mặc và giày dép giảm lần lượt 5,8% và 4,3%.

Theo công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, vấn đề về thương mại của Việt Nam vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng. Họ dự báo Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong năm nay.