VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Thủ tướng: Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6% cả năm 2023

Thủ tướng: Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6% cả năm 2023

18:10 - 30/09/2023

Để đạt tăng trưởng GDP cả năm 6%, kinh tế quý IV phải tăng hơn 10% – tốc độ tăng trưởng quý mà Việt Nam chỉ đạt được một lần duy nhất trong ít nhất 20 năm qua.

Ngày 30/9, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng GDP không như kỳ vọng, lạm phát còn chịu nhiều áp lực, đà tăng trưởng đang gặp khó khăn, tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức …

Trong 9 tháng đầu năm 2023, GDP chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ. Mức tăng thấp hơn mong muốn khiến mục tiêu do Chính phủ đặt ra từ đầu năm là 6,5% gần như không thể đạt được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chọn kịch bản tăng trưởng khả quan nhất trong số 3 kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chọn kịch bản tăng trưởng khả quan nhất trong số 3 kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.

Sau khi có dữ liệu kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho quý IV và cả năm 2023.

Trong kịch bản thấp nhất, GDP cả năm tăng 5% và quý IV tăng 7%. Nếu GDP cả năm tăng 5,5% thì quý IV phải tăng 8,8%. Ở trường hợp khả quan nhất, mức tăng trưởng cả năm đạt 6%.

Trong 3 kịch bản này, ông Chính yêu cầu chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6% để “phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023, tạo tiền đề cho 2024”.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được tốc độ tăng trưởng cả năm 6%, GDP quý IV phải tăng đến 10,6%, gấp đôi mức tăng trưởng của quý III. Thực tế, theo dữ liệu do Trading Economics thu thập, trong ít nhất 20 năm qua, chỉ có một quý ghi nhận tốc độ tăng GDP trên 10%: quý III/2022 do so sánh với quý III/2021, thời điểm nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do các hạn chế liên quan đến Covid-19.

Để đạt được kịch bản này, ông Chính yêu cầu tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác công tư. Thu hút có chọn lọc FDI, đặc biệt là các ngành công nghiệp mới nổi, công nghệ cao.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế chính trong thời gian tới.

Tập trung tận dụng cơ hội, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo đà tăng trưởng, đặc biệt là chuyển đổi số. Không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư từ việc nâng cấp quan hệ và các hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.