VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Nghiên cứu: Các nước có sông Mê Kông chảy qua nên chia sẻ dữ liệu về trữ nước, thủy điện

Nghiên cứu: Các nước có sông Mê Kông chảy qua nên chia sẻ dữ liệu về trữ nước, thủy điện

15:39 - 11/10/2023

Theo một nghiên cứu mới công bố, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có sông Mê Kông chảy qua nên chia sẻ dữ liệu về lượng trữ nước và vận hành thủy điện trong bối cảnh mực nước sông xuống thấp.

Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có sông Mê Kông chảy qua nên chia sẻ dữ liệu về lượng trữ nước và vận hành thủy điện, trong bối cảnh mực nước sông đang ở mức thấp lịch sử do biến đổi khí hậu và yếu tố con người.

Theo Ủy ban liên chính phủ sông Mê Kông (MRC), dòng chảy của sông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 thập kỷ trong giai đoạn từ 2019 đến 2021, ảnh hưởng đến nông nghiệp, ngư nghiệp và sinh kế của hơn 60 triệu người ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Mực nước sông Mê Kông đang ở mức thấp lịch sử.

Mực nước sông Mê Kông đang ở mức thấp lịch sử.

Một nghiên cứu chung mới được công bố đầu tuần này giữa MRC và Trung tâm Hợp tác Tài nguyên Nước sông Mê Kông Lacang do Trung Quốc thành lập kết luận rằng các yếu tố tự nhiên như lượng mưa, tốc độ bay hơi và địa hình là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra những hoạt động của con người như phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý nước góp phần vào tình trạng khô hạn của dòng sông.

Nghiên cứu khuyến nghị các nước, bao gồm cả Trung Quốc, “chia sẻ theo thời gian thực về mức trữ nước và hoạt động thủy điện” và tăng cường thông báo về những thay đổi đột ngột trong cách vận hành hoạt động trữ nước. Điều này rất quan trọng để quản lý tốt hơn dòng sông dài hơn 4.300 km.

Đang có 13 đập thủy điện trên sông Mê Kông. 11 trong số đó do Trung Quốc vận hành. Nước này từng bác bỏ cáo buộc rằng họ giữ nước ở thượng nguồn trong thời kỳ khô hạn. Năm 2020, Bắc Kinh cam kết chia sẻ dữ liệu trữ nước với các quốc gia khác có sông chảy qua.