VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chuyên gia: chuyển dự án điện than thành điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam

Chuyên gia: chuyển dự án điện than thành điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam

11:03 - 23/10/2023

Theo các chuyên gia trong ngành, việc chuyển đổi thành công các dự án điện than sang điện khí LNG là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.

Cần chuyển đổi thành công các dự án điện than sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đảm bảo an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các chuyên gia trong ngành nhận định.

Theo Bộ Công Thương, một số dự án nhiệt điện than đang chờ phê duyệt để chuyển sang điện LNG. Một số tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị đã lên tiếng phản đối các nhà máy điện than mới và ủng hộ điện khí.

Khi thủy điện đạt công suất tối đa và nhu cầu điện tiếp tục tăng cao trong những thập kỷ tới, việc phát triển các nhà máy điện khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế cũng như hiện thực hóa quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ và khó đảm bảo vốn có thể chuyển đổi thành điện LNG nếu được phép.

Các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ và khó đảm bảo vốn có thể chuyển đổi thành điện LNG nếu được phép.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, hiện có 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ và khó đảm bảo vốn gồm: Vĩnh Tân III (1.980 MW), Sông Hậu II (2.120 MW), Quảng Trị (1.320 MW), Công Thanh (600 MW), Nam Định I (1.200 MW).

Chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị – Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) – vừa tuyên bố tạm dừng dự án. Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh ở tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư Tập đoàn Công Thanh và tỉnh đang xin phép chuyển đổi thành dự án điện LNG.

Một đại diện của gã khổng lồ năng lượng Anh, BP, cho biết tập đoàn này đang thảo luận với Tập đoàn Công Thanh về khả năng hợp tác xây dựng nhà máy điện LNG cùng với 2 đối tác quốc tế khác. “Dự án đề xuất với Công Thanh phù hợp với mục tiêu bền vững của BP, bao gồm cung cấp năng lượng sạch hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động”, người đại diện cho biết.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, General Electric đang thảo luận kỹ thuật về dự án và sẵn sàng tham gia nếu có cơ hội hợp tác.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lâm Nguyễn Phương Thảo – luật sư tại Công ty Russin & Vecchi Việt Nam – tin rằng nếu việc chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh thành dự án LNG được phê duyệt, đây có thể trở thành hình mẫu cho các dự án bị chậm tiến độ khác.

Bà Thảo cho biết việc chuyển đổi sẽ tạo ra hàng trăm việc làm trong lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, đồng thời giảm sự phụ thuộc của đất nước vào than nhập khẩu. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải trả trước nhiều chi phí để xây cơ sở hạ tầng LNG và đảm bảo nguồn cung ổn định.

Bà cho rằng ưu điểm sẽ nhiều hơn nhược điểm và đây là một bước cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch hơn và bền vững hơn của Việt Nam.

Về phát triển điện LNG, gần đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư và chính quyền địa phương để thảo luận về những vấn đề gồm tác động đến giá điện, năng lực của các chủ đầu tư dự án và điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi dự án.

John Rockhold – Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – nhận định việc chuyển đổi các dự án điện than sang điện khí là bước quan trọng trong phát triển các nguồn điện ở Việt Nam.

LNG có lượng khí thải carbon thấp hơn tới 50% so với than. Các tổ chức tín dụng cũng đang siết chặt cấp vốn cho các dự án điện than nhằm đáp ứng cam kết quốc tế về giảm phát thải. Ông Rockhold nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng, cảng nước sâu, giá điện và đặc biệt là chỉ đạo của chính phủ trong đảm bảo chuyển đổi thành công.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương – cho rằng việc đẩy nhanh chuyển đổi các dự án than, đặc biệt là những dự án có sẵn cơ sở hạ tầng, sẽ giúp giải quyết nhu cầu cho khu vực phía Bắc đang thiếu điện.