VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Saudi Aramco có trở lại Việt Nam sau thất bại năm 2016?

Saudi Aramco có trở lại Việt Nam sau thất bại năm 2016?

17:16 - 06/11/2023

Công ty dầu lửa lớn nhất thế giới của Ả Rập Xê Út từng rút khỏi một dự án liên doanh ở Việt Nam hơn 7 năm trước.

Saudi Aramco – công ty dầu lửa lớn nhất thế giới của Ả Rập Xê Út – có thể đang xem xét lại cơ hội đầu tư vào ngành hóa dầu của Việt Nam, sau hơn 7 năm rút khỏi một dự án liên doanh tại nước ta.

Ngày 19/10, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin rằng Aramco bày tỏ quan tâm đến việc tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào các dự án hóa dầu và lọc dầu.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó Chủ tịch điều hành Saudi Aramco, Yasser Mufti, và trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Mohammed Al-Khrashi tại Riyadh, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác ASEAN-Vùng Vịnh (GCC) lần thứ nhất.

Saudi Aramco từng lên kế hoạch cho một dự án hóa dầu trị giá 22 tỷ USD ở tỉnh Bình Định.

Saudi Aramco từng lên kế hoạch cho một dự án hóa dầu trị giá 22 tỷ USD ở tỉnh Bình Định.

Aramco đang cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng không đầu tư trực tiếp.

Gần một thập kỷ trước, vào năm 2014, Saudi Aramco và công ty năng lượng PTT của Thái Lan lên kế hoạch cho một dự án hóa dầu trị giá 22 tỷ USD ở tỉnh Bình Định, nhưng cuối cùng bị hủy bỏ.

Hai công ty dự kiến có 40% cổ phần mỗi bên trong dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội chia làm 2 giai đoạn, xây dựng trên diện tích khoảng 1.400 ha. Giai đoạn 1 – với giá trị đầu tư khoảng 22 tỷ USD – có công suất xử lý 400.000 thùng dầu thô/ngày và sản xuất 260.000 thùng sản phẩm/ngày, tương đương 12 triệu tấn sản phẩm/năm và khoảng 5 triệu tấn/năm các sản phẩm hóa dầu bao gồm olefin và chất thơm. Giai đoạn 2 nâng công suất xử lý lên 30 triệu tấn/năm và vốn đầu tư gần 30 tỷ USD.

Kế hoạch dự án bao gồm khởi công vào quý I/2017 và có sản phẩm đầu tiên vào quý I/2021. Mục tiêu bán một nửa sản phẩm trong nước và một nửa xuất khẩu.

Aramco quyết định rút khỏi dự án này vào giữa năm 2016 sau nhiều lần trì hoãn.

Nguyên nhân được cho là giá dầu thế giới giảm sâu, khi đó có thời điểm xuống dưới 40 USD/thùng, trong khi điểm hòa vốn của dự án được xác định là khoảng 60 USD/thùng. Giá dầu hiện giao dịch ở khoảng 86 USD/thùng.

7 năm sau, Việt Nam – một thị trường nhập khẩu chính cả polypropylen và polyethylene ở châu Á – đang chào đón tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan sở hữu hoàn toàn.

Việc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ mở rộng mảng kinh doanh hạ nguồn của Saudi Aramco ở Đông Nam Á, nơi mà nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Điều này sẽ bổ sung cho nỗ lực thúc đẩy mảng hạ nguồn của họ ở Trung Quốc, nơi họ đang tìm mua cổ phần chiến lược trong các dự án hóa dầu lớn.

Tại Đông Nam Á, doanh nghiệp của Ả Rập Xê Út hiện có dự án lọc hóa dầu tại Malaysia, liên doanh với công ty năng lượng nhà nước Petronas.