VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Bài toán khó của Grab khi cổ phiếu giảm 70%

Bài toán khó của Grab khi cổ phiếu giảm 70%

19:31 - 18/11/2023

Khó khăn của Grab là một đòn giáng vào tham vọng trở thành trung tâm công nghệ của Singapore, theo Bloomberg.

Trong phòng khiêu vũ của khách sạn năm sao Shangri-La Singapore, Anthony Tan ăn mừng chiến thắng của ngành công nghệ đất nước. “Hôm nay, chúng tôi hướng sự chú ý đến Đông Nam Á!”, ông nói với đám đông cuồng nhiệt. Công ty của ông, Grab, sắp ra mắt thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông Tan thành lập Grab vào năm 2012, đúng thời điểm các công ty dịch vụ gọi xe bắt đầu trỗi dậy. Masayoshi Son – tỷ phú sáng lập Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư vào Uber – cũng đứng sau Grab. Các nhà đầu tư khác bao gồm BlackRock, Fidelity, Morgan Stanley và công ty đầu tư nhà nước Temasek của Singapore.

Grab lên sàn khi thị trường thèm khát các startup dù chúng thua lỗ. Trước khi giao dịch công khai, Grab được định giá 40 tỷ USD. Ông Tan – khi đó mới 39 tuổi – trên đà trở thành tỷ phú.

Ngay cả ngày Grab niêm yết cũng có vẻ may mắn. Theo cách viết ở Mỹ, nó đọc ngược xuôi như nhau: 12/02/2021. Vào lúc 9:30 sáng giờ New York, ông Tan và người đồng sáng lập Tan Hooi Ling rung chuông mở cửa sàn Nasdaq từ khách sạn Shangri-La. Hoa giấy tràn ngập căn phòng. Ca khúc “We Are the Champions” của Queen vang lên. Nhưng vận may của ông Tan đảo ngược ngay sau đó khi cổ phiếu Grab giảm 21% vào cuối ngày chào sàn. Sau đó, nó tiếp tục rơi thêm và đang giảm 70% kể cả sau khi hồi phục gần đây.

Cổ phiếu Grab giảm 21% ngay trong ngày đầu niêm yết và giảm 70% đến nay.

Cổ phiếu Grab giảm 21% ngay trong ngày đầu niêm yết và giảm 70% đến nay.

những người đầu tư vào nó, đồng thời giúp kết thúc cơn sốt SPAC ở Phố Wall. SPAC – hay công ty mua lại mục đích đặc biệt – là một phương pháp phức tạp mà Grab chọn để lên sàn. Cho đến nay, Grab vẫn là thương vụ SPAC lớn nhất trong lịch sử.

Diễn biến giá cổ phiếu Grab là một đòn giáng vào tham vọng của Singapore. Kể từ khi độc lập vào năm 1965, thành bang với 5,9 triệu dân này phát triển thịnh vượng nhờ hoan nghênh và hỗ trợ công nghiệp và thương mại, trở thành một trung tâm xuất nhập khẩu và tài chính. Công nghệ là mục tiêu tiếp theo của họ.

Năm 2011, Singapore thành lập một vườn ươm công nghệ. Được gọi là Block71, nó đặt tại một tòa nhà công nghiệp đổ nát sắp bị phá hủy. Hơn 1.100 công ty được nuôi dưỡng thông qua trung tâm – có văn phòng trên khắp châu Á và Mỹ.

Khu vực xung quanh Block71 đã thu hút các doanh nghiệp như Canon và Fujitsu, cũng như Grab với trụ sở 9 tầng ở đó. Hai công ty khác của Singapore cũng ở gần đây: Razer – chuyên sản xuất máy tính xách tay, chuột và tai nghe chơi game; và Sea – sở hữu những trò chơi đình đám và sàn thương mại điện tử Shopee. Sea từng là cổ phiếu nóng nhất thế giới, tăng hơn 24 lần kể từ khi niêm yết tại New York vào năm 2017 khi đạt đỉnh vào tháng 10/2021 với giá trị thị trường hơn 200 tỷ USD.

Nhưng cả ba niềm hy vọng công nghệ lớn nhất của Singapore đều đang gặp khó. Cổ phiếu của Sea giảm gần 90% và công ty đã sa thải hàng nghìn người để cắt giảm chi phí. Razer phải chuyển lại thành công ty nội bộ sau những khó khăn khi niêm yết đại chúng. Devadas Krishnadas – giám đốc công ty tư vấn Future-Moves Group – cho biết các startup cần phải làm nhiều hơn là đốt vốn của nhà đầu tư và khoe tiềm năng tăng trưởng. “Khát vọng của Singapore về tăng trưởng dựa trên công nghệ dựa trên hứa hẹn hơn là thành tích”, ông nói.

Ba công ty công nghệ Singapore vẫn đang hoạt động bình thường và câu chuyện của họ chưa kết thúc. Ông Tan và các giám đốc khác của Grab bày tỏ tin tưởng vào tương lai công ty. Grab cho biết trong một tuyên bố: “Phản hồi từ các nhà đầu tư của chúng tôi rất tích cực về những tiến bộ mà chúng tôi đang đạt được nhằm hướng tới có lãi và cân bằng tăng trưởng bền vững”.

Anthony Tan sáng lập Grab vào năm 2012.

Anthony Tan sáng lập Grab vào năm 2012.

Ông Tan lớn lên ở Malaysia và bắt đầu kinh doanh trong một nhà kho cách đây 11 năm. Tại thủ đô Kuala Lumpur, công ty của ông – khi đó có tên là MyTeksi – cho phép khách hàng gọi taxi bằng điện thoại thông minh. Xuất thân từ một gia đình doanh nhân, ông nội của ông Tan làm giàu từ ngành ô tô, đồng sáng lập Tan Chong Motor Holdings Bhd. vào năm 1957 để lắp ráp và bán xe Nissan tại Malaysia. Cha ông là chủ tịch của một công ty giao dịch đại chúng. Giống như nhiều người châu Á ưu tú, ông Tan theo học đại học ở Mỹ, học kinh tế và chính sách công tại Đại học Chicago trước khi lấy bằng MBA tại Đại học Harvard.

Hai năm sau khi thành lập công ty, tại Tokyo, ông Tan gặp ông Son – nhà sáng lập và CEO của SoftBank. Ông Son nổi tiếng nhờ ván cược cực kỳ thành công vào Alibaba của Trung Quốc. SoftBank cam kết hỗ trợ 250 triệu USD cho doanh nghiệp của ông Tan. Năm 2014, công ty chuyển đến Singapore và sau đó đổi tên thành Grab khi chuẩn bị mở rộng ra toàn khu vực.

Ngày 26/3/2018, Grab mua lại hoạt động tại Đông Nam Á của Uber, đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab. Việc Uber rút khỏi khu vực là một thắng lợi lớn cho ông Tan. Grab tích hợp Uber Eats vào mảng giao đồ ăn của mình, đặt tên là GrabFood vào cuối năm đó.

Đến năm 2020, giới đầu tư coi Grab là ứng cử viên đầy tiềm năng để lên sàn chứng khoán. Ông Tan chọn chiến lược lên sàn thông qua hợp nhất với một SPAC. Cách làm này giúp Grab tránh được quá trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) phức tạp. Khi quy trình SPAC trở nên phổ biến, ít ai xem xét kỹ công ty và nhiều người kỳ vọng lớn vào thương vụ của Grab.

Một ngoại lệ là Eric Wen – nhà phân tích ở Hong Kong. Càng nhìn kỹ vào Grab, ông càng hoài nghi. Ông thấy rằng công ty có chưa đến 25 triệu người dùng hàng tháng khi đó, tương đương khoảng 7% khách hàng của siêu ứng dụng Meituan của Trung Quốc, trong khi Đông Nam Á có tầng lớp trung lưu nhỏ hơn và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc.

Theo công ty dữ liệu Crunchbase, Grab đã huy động được 12 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trước thương vụ SPAC. Ở cấp độ vi mô, bài toán thật sự nan giải. Grab chi 480 USD để giành được một khách hàng, sau đó người đó chi trung bình 29 USD/năm. Nói cách khác, Grab phải mất hơn 16 năm mới thu hồi vốn.

Khoảng 6 tuần sau khi Grab lên sàn, ông Wen nêu quan ngại của mình trong một báo cáo, kêu gọi nhà đầu tư bán cổ phiếu công ty. Thị giá của Grab khi đó là 6 USD/cổ phiếu, mất khoảng một nửa giá trị kể từ ngày chào sàn. Ông Wen dự đoán cổ phiếu sẽ giảm xuống 3 USD, điều trở thành hiện thực chỉ 2 tháng sau. Kể từ đó, cổ phiếu Grab luôn ở quanh mức này.

Theo một phân tích, Grab chi 480 USD để giành được một khách hàng chi tiêu trung bình 29 USD/năm

Theo một phân tích, Grab chi 480 USD để giành được một khách hàng chi tiêu trung bình 29 USD/năm

Mak Yuen Teen – giáo sư kế toán tại Đại học Quốc gia Singapore – nhìn ra bài học từ khó khăn của Grab. Ông cho biết các nhà đầu tư chỉ chú ý đến ông Tan mà không nhìn kỹ vào cấu trúc quản trị doanh nghiệp hay mô hinh kinh doanh của Grab. Chẳng hạn, ông Tan kiểm soát 63% quyền biểu quyết của Grab dù chỉ nắm giữ khoảng 3% cổ phiếu phổ thông. Cơ cấu cổ phiếu hai loại không quá bất thường đối với các công ty công nghệ, nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu phổ thông của ông Tan thấp hơn nhiều so với những nhà sáng lập như Mark Zuckerberg – người nắm giữ khoảng 13% cổ phần của Meta Platforms.

Một điểm khác cũng gây chú ý. Theo một hồ sơ, vào tháng 3/2018, mẹ của ông Tan được bổ nhiệm làm một giám đốc hội đồng quản trị. Hiện tại, tất cả thành viên hội đồng quản trị Grab trừ những người sáng lập đều là giám đốc độc lập.

Không giống như Uber, nhà sáng lập vẫn nắm quyền tại Grab. Trong khi nhiều cổ phiếu công nghệ lao dốc, cổ phiếu của Uber giảm ít hơn nhiều. Uber cuối cùng cũng có lãi hoạt động trong quý II, trong khi Grab lỗ lũy kế 16 tỷ USD tính đến cuối năm ngoái.

Cần phải thừa nhận rằng con đường trở lại của Uber dễ hơn vì họ có thể dựa vào thị trường quê nhà ở Mỹ. Singapore – dù giàu có – quá nhỏ để hỗ trợ các công ty tiêu dùng tăng trưởng nhanh, trong khi các thị trường Đông Nam Á khác khó kiếm lời nhanh, và mỗi thị trường đều có ngôn ngữ, phong tục và quy định riêng.

Grab đang cố gắng phục hồi. Công ty thu hẹp chiến lược siêu ứng dụng dù vẫn cung cấp các dịch vụ thanh toán và ngân hàng số. SoftBank vẫn là cổ đông lớn nhất của Grab với 19% cổ phần và ông Son tiếp tục tin tưởng vào ông Tan, theo Softbank. Uber vẫn giữ 14% cổ phần và ông Tan chưa bán bất kỳ cổ phiếu nào của mình sau khi IPO.

Grab vẫn là một doanh nghiệp khổng lồ với khoảng 35 triệu người dùng hàng tháng. Hoạt động tại 8 quốc gia và hơn 500 thành phố, công ty đạt doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm ngoái và vốn hóa thị trường hơn 13 tỷ USD. Trong suốt khu vực, thương hiệu màu xanh lá của Grab cực kỳ quen thuộc với người tiêu dùng. Đa số các nhà phân tích khuyến nghị mua cổ phiếu Grab.

Thương hiệu màu xanh lá của Grab cực kỳ quen thuộc với người tiêu dùng Đông Nam Á.

Thương hiệu màu xanh lá của Grab cực kỳ quen thuộc với người tiêu dùng Đông Nam Á.

Một ngày vào tháng 8, cổ phiếu Grab tăng 11% sau khi công bố giảm lỗ trong quý. Ông Tan nói với các nhà đầu tư: “Ngày càng có nhiều người sử dụng Grab hơn bao giờ hết”, khi công ty nêu chi tiết nỗ lực tiết kiệm chi phí và hướng tới có lãi. Các nhà phân tích của Citigroup khen ngợi công ty “kiểm soát chi phí hiệu quả”. Grab nhắc đến tăng trưởng doanh thu mạnh và 6 quý liên tiếp cải thiện một thước đo lợi nhuận. Grab có “rất nhiều dư địa để phát triển ở Đông Nam Á”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Tương tự, Singapore vẫn có tiến bộ trong nỗ lực trở thành một trung tâm công nghệ. Tuần trước, một báo cáo của chính phủ cho biết nền kinh tế số của nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đang có quy mô 77 tỷ USD, hay 17,3% GDP.

Singapore đang đặt cược vào các loại chip chuyên dành cho ô tô và điện thoại. Ủy ban Phát triển Kinh tế của nước này nhắc đến “siêu chu kỳ bán dẫn chưa từng có”, khi Singapore thu hút khoản đầu tư kỷ lục 22,5 tỷ dollar Singapore (16,5 tỷ USD) trong năm ngoái liên quan đến chip và các tài sản khác. Ngày 22/9, Carousell – một nền tảng trực tuyến mua bán hàng cũ – công bố trụ sở khu vực mới gần Block71.

Emily Liew – trợ lý CEO tại Enterprise Singapore, một tổ chức chính phủ về khởi nghiệp – cho biết các công ty công nghệ phải phát triển trong kỷ nguyên tăng trưởng thấp hơn. “Quy mô thị trường của chúng tôi không phải là một yếu tố hạn chế, vì các startup của chúng tôi được xây dựng với quy mô toàn cầu”, bà nói.

Tại một hội nghị vào tháng 9, Jenny Lee thuộc GGV Capital – một nhà đầu tư ban đầu vào Grab – cho biết công nghệ thực phẩm là một lĩnh vực khác đầy hứa hẹn. Là nước đầu tiên cho phép bán thịt nuôi cấy, Singapore đặt mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng trong nước vào năm 2030.

Đầu năm nay, Kay Woo – một doanh nhân – vẽ ra ước mơ của mình. Văn phòng ở Singapore của ông trưng bày một chiếc xe kéo 3 bánh chạy điện, gọi là tuktuk. Chiếc xe này chở hành khách ở Campuchia trên dịch vụ gọi xe của ông, tên là Tada.

Nhưng mô hình kinh doanh của Tada khác với Grab, dựa vào truyền miệng thay vì quảng cáo và không tính phí hoa hồng với tài xế. Người đi xe và tài xế phải trả cho Tada một khoản phí nhỏ. “Khi mới bắt đầu, chúng tôi còn nhỏ hơn một ngón chân của Grab”, ông nói. “Với việc nhiều người đang sử dụng Tada, có vẻ như chúng tôi đã đúng”.