VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Sự giàu có và lo lắng ở cường quốc dầu mỏ mới nhất của thế giới

Sự giàu có và lo lắng ở cường quốc dầu mỏ mới nhất của thế giới

08:11 - 22/11/2023

Guyana – quốc gia nhỏ bé ở Nam Mỹ – đang chuyển mình từ nước nghèo thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ dầu khí. Nhưng một số người dân lo rằng đất nước của họ trở nên phụ thuộc vào các tập đoàn năng lượng nước ngoài, theo Wall Street Journal.

Các siêu thị mới mở chất đầy thịt bò hảo hạng. Một khách sạn mới khai trương có các phòng cao cấp giá 750 USD/đêm. Đội cricket quốc gia, Amazon Warriors, sắp có một sân vận động mới bắt đầu xây từ năm sau.

Tiền đang đổ vào Guyana – quốc gia đang nhanh chóng chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất Tây bán cầu thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sự thay đổi này có thể giải thích được một cách đơn giản thông qua nhà tài trợ trên áo đấu của đội cricket quốc gia: Exxon Mobil – đại gia dầu mỏ đến từ Mỹ.

Guyana đang trở thành cường quốc năng lượng lớn tiếp theo trên thế giới. Thông qua những cuộc thăm dò từ năm 2015, Exxon và hai đối tác, Hess và CNOOC của Trung Quốc, đã tìm thấy hơn 11 tỷ thùng dầu ngoài khơi bờ biển Guyana – một kho báu có thể thu hoạch trong hàng thập kỷ. Một số chuyên gia dầu mỏ cho biết họ chưa từng và sẽ không bao giờ chứng kiến thành công nào lớn như vậy trong suốt sự nghiệp của mình.

Các chuyến bay đến Georgetown – thủ đô Guyana – chứa đầy các công nhân mỏ dầu nước ngoài. Tháng trước, Chevron – một công ty dầu lửa lớn khác của Mỹ – chấp nhận trả 53 tỷ USD để mua Hess, chủ yếu nhằm có được gần 1/3 cổ phần của Hess trong dự án Guyana.

“Nó thực sự độc nhất trên thế giới”, CEO Chevron Mike Wirth cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Phát hiện lớn nhất trong thập kỷ qua, một nguồn tài nguyên chất lượng cao … và nó có tiềm năng tăng trưởng không gì sánh bằng”.

Một siêu thị mới mở ở Georgetown.

Một siêu thị mới mở ở Georgetown.

Theo IMF, kể từ năm 2017, doanh thu chính phủ Guyana cũng như quy mô nền kinh tế của nước này đã tăng gấp 3 lần. Tính đến cuối tháng 9, nước này có 1,88 tỷ USD từ doanh thu dầu mỏ và tiền bản quyền trong quỹ tài nguyên thiên nhiên.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã mời Guyana làm thành viên. Nhưng Guyana cho biết họ muốn được độc lập để bơm số lượng dầu tùy ý mình.

Phát hiện này có giá trị đến mức Exxon và các đối tác tìm mọi cách để đặt dấu ấn của mình lên mỏ dầu, cũng như đất nước.

Exxon chi gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế địa phương và tiếp cận cộng đồng trên khắp Guyana, đầu tư vào nước này lớn hơn nhiều so với các thị trường cận biên khác ở châu Á và châu Phi.

Các bảng quảng cáo của Exxon xuất hiện trên những con đường và sân bay của Georgetown, quảng cáo cơ hội việc làm và hứa hẹn nguồn điện sinh hoạt rẻ hơn thông qua một dự án nhà máy điện sử dụng khí đốt tự nhiên từ các mỏ ngoài khơi. Exxon cấp vốn cho một dự án phát triển cảng thua lỗ để cho phép hàng hóa lưu thông tự do hơn, và rót tiền cho những hội nghị về trao quyền cho phụ nữ, hội thảo khởi nghiệp và các nhóm môi trường địa phương.

“Chúng tôi cảm thấy tên tuổi và thương hiệu của mình giờ đây gắn liền với việc liệu điều này có mang lại thành công cho người dân đất nước hay không”, theo giám đốc của Exxon Guyana, Alistair Routledge.

Ông Routledge cho biết cả Exxon và Guyana đều đang nỗ lực giúp đất nước tránh cái gọi là “lời nguyền tài nguyên” – xu hướng các nước đột nhiên trở nên giàu có từ tài nguyên rơi vào tình trạng một phần nền kinh tế suy kiệt và nạn tham nhũng đưa tài sản tập trung vào tay tầng lớp cầm quyền.

Trụ sở của Exxon ở Georgetown.

Trụ sở của Exxon ở Georgetown.

Một số người dân địa phương lo lắng trước tình hình mới, sợ rằng đất nước của họ đang trở thành công ty con của Exxon. Một loạt vụ kiện đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ hơn với công ty. Nước láng giềng Venezuela tuyên bố chủ quyền với một số mỏ mà Guyana đang bán đấu giá, làm dấy lên cuộc tranh cãi lãnh thổ kéo dài hơn một thế kỷ.

Tại bảo tàng quốc gia của Guyana, bản sao những loài động vật đứng bên cạnh khu triển lãm về Exxon và hoạt động khám phá dầu mỏ. Giữa các lọ dầu thô và một tàu khoan mô hình, một đoạn video phát đi phát lại cảnh các giám đốc Exxon và quan chức chính phủ ca ngợi sự chuyển đổi kinh tế đất nước.

Kho báu bất ngờ

Ban đầu, Exxon và Hess không hề biết rằng các mỏ dầu ở Guyana lại lớn như vậy. 10 năm trước, John Hess – CEO của công ty cùng tên – còn không biết Guyana ở đâu trên bản đồ. Khi giá dầu giảm năm 2014, ông tìm kiếm những nguồn dầu mới giá rẻ ngoài các mỏ đá phiến dồi dào của Mỹ. Ông tin rằng sản lượng ở Mỹ sẽ bắt đầu ổn định trong thập kỷ tới và ông cần có kế hoạch đón đầu.

Khi Shell – đối tác cũ của Exxon ở Guyana – rút khỏi nước này sau hàng chục giếng thăm dò thất bại, ông chộp lấy cơ hội. Năm 2014, Shell bán cho Hess quyền sở hữu 30% dự án với giá 1 USD/cổ phần – cái giá hóa ra quá hời.

32 trong số 37 giếng thử nghiệm của nhóm do Exxon dẫn đầu đã phát hiện ra dầu, tỷ lệ thành công cao nhất của ngành trong lịch sử hiện đại, các nhà phân tích của Bank of America cho biết trong một báo cáo hồi tháng 6. Theo nhà phân tích Schreiner Parker của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad, liên doanh dự kiến sẽ bơm hơn 1 triệu thùng/ngày trong suốt thập niên 2030.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Hess cho biết ông tin rằng chính phủ Guyana sẽ có doanh thu hơn 1,5 tỷ USD trong năm nay thông qua thỏa thuận chia sẻ sản xuất với liên doanh. Ông cho biết GDP bình quân đầu người của Guyana trong vòng 3 hoặc 4 năm tới dự kiến tăng lên ngang bằng với Mexico hoặc Brazil. “Họ muốn chúng tôi đi nhanh nhất có thể nhưng cũng có trách nhiệm nhất có thể để phát triển nguồn tài nguyên dầu mỏ và nguồn tài chính của họ”, ông nói.

Khi một vụ cháy trường học chết người xảy ra ở Guyana hồi tháng 5, ông Hess gửi ngay một máy bay để giúp đưa các mẫu DNA đến New York nhằm xác định hài cốt các nạn nhân, theo Bộ Y tế Guyana.

Đội cricket quốc gia của Guyana mang tên nhà tài trợ Exxon Mobil trên áo đấu.

Đội cricket quốc gia của Guyana mang tên nhà tài trợ Exxon Mobil trên áo đấu.

Cho đến nay, Exxon và các đối tác đã đầu tư 40 tỷ USD vào các dự án ngoài khơi và sẽ chi thêm hàng chục tỷ USD cho những dự án mới trong thập kỷ này.

Guyana đang phần nào cảm nhận thấy số tiền đó, bao gồm thông qua một sáng kiến trị giá 100 triệu USD trong 10 năm để tài trợ cho các chương trình giáo dục và đào tạo sinh viên cho nền kinh tế mới. Phó hiệu trưởng Paloma Mohamed Martin của Đại học Guyana cho biết ở trường, số tiền này giúp mở rộng đài phát thanh, mua ghế cho trường nha khoa, lắp đặt phòng máy tính, bổ sung hàng rào và hệ thống an ninh để giảm trộm cắp trong khuôn viên.

Sự bùng nổ dầu mỏ của Guyana cũng tạo ra cơn sốt bất động sản. Những trung tâm mua sắm, đường sá và chung cư cao cấp mới được xây lên để phục vụ các công nhân và giám đốc dầu mỏ. Nhiều nhà đầu tư và doanh nhân trong lĩnh vực khai thác mỏ và khai thác gỗ truyền thống của Guyana cũng kiếm tiền từ giá trị bất động sản ngày càng tăng. “Tôi đã mời một số nhân viên dầu mỏ đến xem chỗ của mình”, thương nhân vàng Sunil Boodhram cho biết, khoe ảnh các căn nhà cao cấp mà ông vừa xây.

Tàu tạo đảo nhân tạo để làm cảng phục vụ khai thác dầu ngoài khơi ở Georgetown.

Tàu tạo đảo nhân tạo để làm cảng phục vụ khai thác dầu ngoài khơi ở Georgetown.

Ngược lại, có những người Guyana hoài nghi về lợi ích của dầu mỏ với đất nước. Một trong số đó là người bán cá Clifton Anderson, nói: “Hiện tại, có cảm giác như chính phủ thuộc sở hữu của Exxon”. Ông cho rằng sự bùng nổ dầu mỏ làm chi phí sinh hoạt tăng cao.

Cho đến nay, Exxon và các đối tác vẫn đối phó thành công với tình hình chính trị phức tạp của Guyana. Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1966, nước nay thường xảy ra xung đột giữa hai nhóm dân tộc lớn nhất: hậu duệ của những người nô lệ từ châu Phi và của những người lao động theo khế ước gốc Ấn Độ.

“Chúng tôi là khách ở Guyana – điều bắt buộc là công dân của đất nước được hưởng lợi từ sự hiện diện của chúng tôi”, theo Michelle Gray, phát ngôn viên của Exxon. “Chúng tôi tự hào về những đóng góp của mình và mong chờ nhiều thập kỷ thịnh vượng chung”.

Căng thẳng chủng tộc, thể chế yếu và tham nhũng làm hoen ố nền chính trị Guyana – vốn bị chi phối bởi hai phong trào chính: một chủ yếu lãnh đạo bởi người Guyana gốc Ấn và phong trào kia bởi người Guyana gốc Phi. Điều này cản trở sự phát triển kinh tế và khiến nhiều công dân rời bỏ đất nước, theo các nhà kinh tế và quan chức chính phủ.

Kiện tụng

Trong số các vụ kiện ở Guyana, có một vụ chống lại Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của đất nước, cáo buộc cơ quan này cho phép Exxon được bảo hiểm không chi trả đầy đủ cho một tai nạn ngoài khơi. Đây là một trong 7 vụ kiện mà luật sư Melinda Janki đệ trình, thay mặt những người muốn đảm bảo Exxon và chính phủ tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý.

Một thẩm phán trong vụ kiện bảo hiểm đứng về phía nguyên đơn hồi tháng 5, nhưng tòa phúc thẩm tạm hoãn thi hành phán quyết. Nếu phán quyết cuối cùng xác nhận quyết định của tòa án cấp dưới, việc khai thác có thể bị dừng hoàn toàn.

Người phát ngôn của Exxon cho biết công ty có bảo hiểm đầy đủ. Giám đốc EPA Kemraj Parsram từ chối bình luận về vụ kiện nhưng phủ nhận rằng cơ quan của ông làm theo chủ ý của Exxon.

Biển quảng cáo ở Guyana ca ngợi quan hệ hợp tác của đất nước với Exxon.

Biển quảng cáo ở Guyana ca ngợi quan hệ hợp tác của đất nước với Exxon.

Trong số những tiếng nói chỉ trích có Vincent Adams – giám đốc EPA từ năm 2018 đến năm 2020. Ông nói rằng ông đã từ chối ký vào giấy phép thăm dò mới cho liên doanh của Exxon cho đến khi họ cam kết đảm bảo đầy đủ bảo hiểm tai nạn.

Ông cũng cho biết đã cố thành lập một nhóm chuyên gia gồm 36 người để tăng cường giám sát Exxon. Ông nói rằng nhóm chuyên gia không được sử dụng dù nhận tài trợ 1 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới, và cho rằng ông bị sa thải vì những hành động này.

Phó Tổng thống Guyana Bharrat Jagdeo nói rằng nhiều lời chỉ trích có động cơ chính trị. Theo ông, phần lớn sự hoài nghi của công chúng là do cuộc đàm phán của chính phủ cũ với Exxon – được tiến hành bí mật và giữ kín trước công chúng hơn một năm sau khi ký kết thỏa thuận năm 2016.

Ông Jagdeo cho biết nếu đàm phán lại thỏa thuận, đà phát triển của đất nước sẽ bị cản trở. Ông Routledge của Exxon nói rằng điều đó sẽ là tín hiệu xấu cho các công ty đang muốn đầu tư vào đất nước.

Thay vì thỏa thuận lại với Exxon, ông Jagdeo cho biết chính phủ tập trung phát triển quỹ tài sản nhà nước để quản lý tiền thu từ dầu mỏ, thúc đẩy việc làm trong nước và cải thiện tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của Guyana trong những dự án tương lai.

Sự bùng nổ dầu mỏ của Guyana chưa có dấu hiệu chậm lại. Các nhà phân tích cho rằng lượng dầu khai thác được có thể lớn hơn đáng kể so với ước tính hiện tại 11 tỷ thùng, khi các đại gia dầu mỏ thăm dò những khu vực sâu hơn với công nghệ mới.

Một nguy cơ với Guyana là quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu dầu khí sẽ đạt đỉnh trước năm 2030, sau đó giảm dần – mặc dù nhiều chuyên gia không tán thành ước tính này.

Trong một cuộc điện thoại gần đây, Tổng thống Guyana, Irfaan Ali, thúc giục ông Wirth của Chevron bơm dầu nhanh nhất có thể và tăng cơ hội việc làm trong nước với hy vọng đưa người dân thoát nghèo.

Ông Jagdeo cho rằng các nước phát triển đã hưởng lợi từ trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của họ và đến lúc các nước nhỏ hơn như Guyana phá bỏ thế độc quyền sản xuất và tạo thu nhập để phát triển kinh tế. Ông cũng bác bỏ khuyến nghị của Liên hợp quốc và các nước khác rằng nên tiến tới ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch. “Chúng tôi cần tiền từ dầu khí để chống chọi và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông nói.