VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tham vọng tiến ra “sân khấu toàn cầu” của VNG

Tham vọng tiến ra “sân khấu toàn cầu” của VNG

09:36 - 25/12/2023

Nhà đồng sáng lập VNG, Lê Hồng Minh, nói với AFP rằng công ty cần phải “nhìn ra ngoài biên giới” khi chuẩn bị niêm yết đại chúng ở Mỹ.

Nhà đồng sáng lập VNG, Lê Hồng Minh, lần đầu tiên thi đấu quốc tế là với tư cách là game thủ đại diện cho Việt Nam tại một giải đấu thể thao điện tử ở Hàn Quốc. Hai thập kỷ sau, ông cho biết sẵn sàng thi đấu một lần nữa với những đối thủ hàng đầu thế giới, khi đưa công ty của mình ra niêm yết đại chúng.

VNG – một trong những nhà phát hành trò chơi hàng đầu Việt Nam – cũng điều hành một ví điện tử, dịch vụ đám mây và nền tảng nhắn tin phổ biến nhất cả nước. Vài tháng sau khi hãng ô tô điện đồng hương VinFast ra mắt trên sàn Nasdaq, gây chú ý khắp thế giới khi định giá tăng vọt rồi lao dốc, VNG cũng lên kế hoạch niêm yết tại New York.

“Tôi thách thức nhóm game khi nói rằng trong vòng 3 đến 5 năm tới, chúng tôi cần trở thành một công ty game toàn cầu”, ông Minh nói với AFP từ văn phòng của công ty gần sông Sài Gòn. Để làm được điều đó, “chúng tôi cần phải ở trên một sân khấu toàn cầu, có khả năng tiếp cận nguồn vốn và tài năng toàn cầu”.

Tại Việt Nam, sản phẩm của VNG đã ăn sâu vào đời sống người dân. Ứng dụng Zalo của công ty có 75 triệu người dùng hoạt động ở đất nước 100 triệu dân, vượt qua Facebook để trở thành nền tảng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam. Với ngôn ngữ mặc định là tiếng Việt và được thiết kế dành riêng cho thị trường trong nước, Zalo thu hút mọi nhóm người dùng, từ những người trẻ am hiểu công nghệ đến người cao tuổi.

Khởi đầu khiêm tốn

VNG ra đời năm 2004 với tên gọi Vinagame, một công ty khởi nghiệp chỉ có 5 người, chuẩn bị ra mắt game trực tuyến đầu tiên của họ – và của Việt Nam – bằng cách đi xe máy dọc đất nước. Họ cho biết đã dán áp phích quảng cáo trò chơi trên 5.000 quán cà phê Internet.

Đến nay, họ đã lấn sang các lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) và AI (trí tuệ nhân tạo), với sứ mệnh cho thế giới thấy khả năng của các kỹ sư Việt Nam. Tuy nhiên, game vẫn là phần quan trọng nhất trong kế hoạch kinh doanh của công ty, với 80% doanh thu đến từ bộ phận này.

Phát hành khoảng 10 game mỗi năm tại Việt Nam và nhiều nơi khác ở Đông Nam Á bao gồm Thái Lan và Indonesia, họ đang cố gắng mở rộng hơn nữa, sang châu Mỹ Latinh và Trung Đông, đồng thời thúc đẩy các game do chính họ tự sản xuất.

“Đó là sự tiến triển tự nhiên”, theo Lisa Hanson – CEO của Niko Partners, một công ty nghiên cứu thị trường game châu Á. Bà lưu ý rằng Sea của Singapore – một công ty game và thương mại điện tử – cũng đạt được thành công ở Nam Á và Trung Đông với game di động Free Fire.

Năm 2002, hai năm trước khi đồng sáng lập Vinagame, ông Minh đến Daejeon, Hàn Quốc để thi đấu trong World Cyber Games – một trong những sự kiện thể thao điện tử lớn nhất thế giới. “Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc đó. Tôi tự nhủ đây là đỉnh cao trong sự nghiệp game thủ của mình”, ông nói. “Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ ai giỏi là … chơi với những người giỏi nhất trên thế giới, phải không?”

Ông cũng có mục tiêu tương tự đối với VNG, khi công ty khởi nghiệp định giá tỷ USD đầu tiên của Việt Nam đang quảng cáo “hệ sinh thái kỹ thuật số tự phát triển” của mình tới các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Thách thức phía trước

Đây là thời điểm thích hợp để làm điều đó, theo Phạm Nguyễn Anh Huy – giảng viên cao cấp về tài chính tại Đại học RMIT ở TP HCM.  “Khi VinFast ra mắt, họ thực sự đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế”, ông nói. “Vì vậy, có động lực lớn hơn [cho các công ty Việt Nam] – đây là thời điểm tốt nhất để hút tiền”.

VNG có các cổ đông bao gồm đại gia Internet Trung Quốc, Tencent, và quỹ đầu tư nhà nước Singapore, Temasek. Tuy nhiên, công ty cần tiếp cận nguồn tiền mặt lớn khi lên kế hoạch xây dựng một mô hình AI ngôn ngữ lớn phù hợp với Việt Nam, cũng như mở rộng địa bàn kinh doanh game, ông Huy nói thêm.

Trong hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào tháng 8, công ty báo lỗ 86,7 triệu USD trong năm 2022 và 27,4 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Ông Huy cho rằng khoản lỗ sẽ tăng lên vì chi phí tăng khi công ty mở rộng thị trường.

Ứng dụng thanh toán ZaloPay cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các ví điện tử khác như Momo và ShopeePay, “một vài trong số đó có nguồn tài chính lớn hơn chúng tôi”, những người sáng lập VNG thừa nhận trong hồ sơ nộp SEC.

Theo ông Minh, sau khi chứng kiến Internet thay đổi đất nước của mình, đã đến lúc cho một thử thách mới. “Các công ty Việt Nam có khả năng và tự tin hơn rất nhiều”, ông nói. “Chúng ta cần phải nhìn ra ngoài biên giới của mình”.