VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ dự định xây cảng ở Đà Nẵng

Tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ dự định xây cảng ở Đà Nẵng

09:45 - 15/07/2024

Tập đoàn Adani cho biết đã đạt được sự chấp thuận về nguyên tắc của chính phủ Việt Nam để phát triển một cảng mới ở Đà Nẵng.

Tỷ phú Gautam Adani dự định xây dựng một cảng ở Việt Nam, khi tập đoàn Adani của ông đang nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài để tận dụng các cơ hội từ tăng trưởng thương mại.

Gautam Adani. Ảnh: Bloomberg.

Gautam Adani. Ảnh: Bloomberg.

Karan Adani, giám đốc điều hành của tập đoàn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng APSEZ – công ty điều hành cảng và logisitics của Adani – đã nhận được “sự chấp thuận về nguyên tắc từ chính phủ Việt Nam” để phát triển một cảng mới ở Đà Nẵng. Ông cho biết dự án sẽ có bến container và bến đa năng để xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau. Hiện, dự án đang ở giai đoạn quy hoạch ban đầu và chưa xác định tổng mức đầu tư cần thiết.

Đây sẽ là cảng quốc tế thứ 4 của Tập đoàn Adani sau Haifa ở Israel, Colombo ở Sri Lanka và Cảng Dar es Salaam ở Tanzania. Ngày 12/7, một siêu cảng mới của Adani ở miền nam Ấn Độ đã đón tàu mẹ đầu tiên và công ty muốn tăng tốc mở rộng cảng này nhằm giành thị phần lớn hơn trong thương mại hàng hải quốc tế hiện do Trung Quốc thống trị.

“Ý tưởng là biến Ấn Độ thành một trung tâm hàng hải”, Karan, con trai cả của Gautam Adani, cho biết “Chúng tôi đang nhắm đến các quốc gia có nền sản xuất hoặc dân số cao, điều này sẽ dẫn đến mức tiêu dùng cao. Chúng tôi đang tập trung vào khối lượng xuất khẩu ở những nước này.”

APSEZ là nhà khai thác cảng lớn nhất ở Ấn Độ. Khoảng 5% khối lượng của công ty đến từ các cảng quốc tế và công ty muốn tăng tỷ lệ này lên 10% vào năm 2030, Karan Adani cho biết. Công ty đang xem xét các cơ hội ở Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Phi, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Việt Nam và Campuchia vì đây là những khu vực đang giao dịch hàng hóa với Ấn Độ.

Tỷ phú Gautam Adani – nhà sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn Adani – hiện là người giàu thứ hai ở Ấn Độ, với khối tài sản trị giá 103 tỷ USD, theo Bloomberg.