VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tròng trành “giấc mộng” làm giàu từ chứng khoán, tiền chảy về đâu?

Tròng trành “giấc mộng” làm giàu từ chứng khoán, tiền chảy về đâu?

08:27 - 09/02/2021

Các kênh đầu tư trong tuần vừa qua đều có những biến động không ngừng. Giữa lúc chứng khoán có dấu hiệu hồi phục từ đáy, USD tăng thì giá vàng lại lao dốc.

Các kênh đầu tư trong tuần vừa qua đều có những biến động không ngừng. Giữa lúc chứng khoán có dấu hiệu hồi phục từ đáy, USD tăng thì giá vàng lại lao dốc.

Giá vàng lao dốc không phanh, USD tăng vọt lên mức cao 2 tháng

Tròng trành giấc mộng làm giàu từ chứng khoán, tiền chảy về đâu? - 1
Giá vàng “lao dốc không phanh”, dân ôm vàng lỗ nặng (ảnh: Sơn Tùng)

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 5/2, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn ở mức 56,1 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,6 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.

Các mức giá này giảm mỗi chiều 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước đó.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp giao dịch ở mức 56,1 triệu đồng/lượng – 56,65 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 150.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng.

Chốt phiên 4/2, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được doanh nghiệp niêm yết cùng mức 56,25 triệu đồng/lượng – 56,75 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, lúc 9h25 sáng cùng ngày (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com giao dịch ở mức 1.794 USD/ounce, tức giảm tới 40 USD/ounce so với 1 ngày trước.

Giá vàng thế giới giảm sốc do USD tăng mạnh đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 tháng sau khi Mỹ công bố số liệu tích cực về kinh tế và những tiến bộ trong việc phòng ngừa Covid.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 91,41 điểm.

Tin khống chế được dịch, nhiều nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu qua Tết chờ… lộc lớn!

Thị trường chứng khoán đang trải qua những phiên hồi phục ngoạn mục, dù chưa thể lấy lại hết những gì đã mất.

Ở phiên 3/2, cổ phiếu đã đua nhau tăng trần, đẩy VN-Index bứt phá ngoạn mục: tăng 35,76 điểm, tương ứng 3,32% lên 1.111,29 điểm.

Đến phiên 5/2, VN-Index tiếp tục tăng mạnh 14,72 điểm tương ứng 1,32% lên 1.126,91 điểm. Ở phiên này, chỉ số chính đã kiểm định xong ngưỡng 1.120 điểm.

Đà tăng lan tỏa nhanh chóng đã giúp tổng cộng 593 mã cổ phiếu trên toàn thị trường tăng giá, 112 mã tăng kịch trần. Con số này lấn át so với 269 mã giảm giá, 21 mã giảm sàn.

Về thanh khoản, khối lượng giao dịch phiên giao dịch cuối tuần trên HSX dừng lại mức 529,87 triệu cổ phiếu tương ứng 12.416,71 tỷ đồng; HNX có 98,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.031,1 tỷ đồng và trên UPCoM là 59,88 triệu cổ phiếu tương ứng 460,95 tỷ đồng.

Lý giải cho hiện tượng thanh khoản thị trường ở mức thấp trong những phiên gần đây, ngoài sự hoài nghi về xu hướng hồi phục thì thị trường chứng khoán Việt Nam thường có một “truyền thống” vốn có là… nhà đầu tư rút tiền nghỉ Tết!

Một số nhà đầu tư khác lại giữ quan điểm… “gồng lỗ” và “gồng lãi” trên cơ sở tin rằng công tác chống dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được kiểm soát thành công.

Theo lời anh Nguyễn Văn Quang, một nhà đầu tư F0 vừa trải qua cơn “sóng gió” chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán thì việc nhà đầu tư đã kiên cường vượt qua được thời điểm khó khăn nhất để giữ lại cổ phiếu thì không có lý do gì để họ bán lúc này.

Một nhà đầu tư khác là chị Phan Thanh Hiền (TP. Vinh) cho biết: “Với tiến độ như hiện tại, tôi tin rằng việc kiểm soát dịch của Chính phủ sẽ thành công như những lần trước, sẽ không có thông tin tiêu cực lên thị trường. Bởi vậy, tôi quyết định sẽ ôm cổ phiếu qua Tết. Sau Tết tôi tin rằng thị trường sẽ khởi sắc và tôi hi vọng sẽ có lộc đầu năm”.

Lượng mở tài khoản chứng khoán đạt kỷ lục trong tháng 1/2021

Tròng trành giấc mộng làm giàu từ chứng khoán, tiền chảy về đâu? - 2
Số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán đạt kỷ lục trong tháng 1/2021

Một thông tin đáng chú ý là theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 1/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 86.269 tài khoản chứng khoán, tăng tới 36,4% so với tháng trước đó. Đây là số tài khoản mở mới trong một tháng lớn nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.

Trước đó,  lũy kế cả năm 2020 đã có 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ lệ tới 99,7% với 392.527 tài khoản, còn lại là nhà đầu tư tổ chức.

Năm 2020 được ghi nhận là năm có số lượng tài khoản được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Trước khi có đợt điều chỉnh mạnh (bắt đầu từ ngày 19/1) thì chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư cực kỳ “nóng”. Với việc khắp nơi nhà đầu tư “khoe lãi” từ hàng chục phần trăm đến nhân tài khoản gấp 3, 4 lần, chứng khoán trở thành một “mỏ vàng” hứa hẹn mang về lợi nhuận “khủng”.

Một bộ phận người dân lầm tin rằng, cứ đầu tư chứng khoán “mua bừa” cổ phiếu nào cũng thắng.

Tháng 1: Số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động gấp 2,5 lần thành lập mới

Giữa lúc thị trường tài sản biến động thì một số số liệu vĩ mô được công bố cũng đã phần nào cho thấy sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo thống kê mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2021, Việt Nam đón nhận số doanh nghiệp mới thành lập tăng gần 22%, với hơn 10.000 doanh nghiệp, trong đó có 167 doanh nghiệp có quy mô vốn cao nhất trên 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng 1/2021 có số lượng lớn, trên 25.750 doanh nghiệp, tăng trên 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hơn 18.750 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chiếm hơn 70%; 5.602 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo Bộ KH&ĐT, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.

Lãi suất tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước bơm hàng chục nghìn tỷ đồng

Trong một diễn biến khác có liên quan, trong tuần từ 25/1 – 29/1, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 29/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm 0,33%; 1 tuần 0,52%; 2 tuần tăng 0,68% và 1 tháng tăng 0,84%.

Đến ngày 2/2, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND có thêm bước tăng đột biến sau xu hướng rất mạnh cuối tuần trước. Lãi suất VND đã tăng khoảng gấp đôi trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến này đi cùng với nhu cầu của thị trường vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả cận Tết Nguyên đán.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng lượng lớn để hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống.

Ngày 2/2, nhà điều hành đã thực hiện 2 phiên chào thầu với tổng nguồn 21.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ 2,5%/năm. Kết quả có hơn 15.568 tỷ đồng trúng thầu qua kênh này với lãi suất thầu 2,5%/năm. Đồng nghĩa các tổ chức tín dụng chấp nhận vay hơn 15.500 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước mức lãi suất 2,5%/năm.