VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Không chỉ Temu, Shein và 1688 đều chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam

Không chỉ Temu, Shein và 1688 đều chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam

12:56 - 28/10/2024

Đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số chia sẻ trên VnExpress rằng, cho biết tới nay, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam.

Ngay từ cuối tháng 9, thông tin Temu – một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn của Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã nhận được nhiều sự chú ý.

Theo đó, dù chưa có thông tin chính thức nhưng từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app Temu và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo hãng dịch vụ tư vấn và đầu tư startup Momentum Works (Singapore). Đây là một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới giá rẻ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vào năm 2022, GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) của Temu chỉ 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB. Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 (18 tỷ USD).

Tuy được quảng cáo rầm rộ nhưng đến nay, sàn TMĐT này vẫn chưa được đăng ký tại Việt Nam.

Theo đó, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số chia sẻ trên VnExpress rằng, cho biết tới nay, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam.

Temu, Shein và 1688 đều chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam

Thực tế, theo quy định của Nghị định 85/2021 sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương. Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 23/10, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn Nghị định 85 này để khẳng định, các sàn giao dịch thương mại điện tử bắt buộc phải đăng ký khi hoạt động tại Việt Nam. Không chỉ thế, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.

Ngay cả Shein hay 1688, những nền tảng TMĐT xuyên biên giới đã xuất hiện và hoạt động ở Việt Nam từ trước cũng chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Theo đó, văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ: “Trong thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương”. Như vậy, các nền tảng bán hàng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam đều chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý và rà soát thuế.

Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ ngay trong tháng 10 này, phải đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Đặc biệt yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 10.2024.

Phối hợp với các cơ quan liên quan của Văn phòng Chính phủ cập nhật tiến độ ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.

https://vnexpress.net/temu-chua-dang-ky-hoat-dong-o-viet-nam-4807681.html