VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Người bán trên sàn thương mại điện tử sẽ phải định danh trên VneID

Người bán trên sàn thương mại điện tử sẽ phải định danh trên VneID

09:38 - 15/01/2025

Mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, hoạt động mua sắm trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Để hạn chế tình trạng này, mới đây, Chính phủ đã đưa ra quy định bắt buộc người bán hàng phải xác minh danh tính trên VNeID.

Theo đó, Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 10/1/2025 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 đã nêu rõ: Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VNeID.

Thực tế, vào tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu Bộ liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó, đã có nhiều chỉ đạo về định danh thương mại điện tử đối với các Bộ khác.

Các chỉ đạo cụ thể như sau:

Bộ Công an sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử. Mục tiêu là đảm bảo rằng tất cả tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi cung cấp và trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Điều này nhằm ngăn chặn thất thu thuế và các hành vi gian lận.

Quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến sẽ vượt 25 tỷ USD

Trong khi đó, Bộ Tài chính cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020. Nghị định này sẽ quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó cần nghiên cứu và đề xuất các nội dung sau: (i) Người bán có thể ủy nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử lập hóa đơn điện tử giao cho người mua; (ii) Quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật. Mục tiêu là tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định pháp luật về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù cho hoạt động thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, cần hoàn thiện số liệu thống kê thương mại điện tử để quy định cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

Thực tế, những chỉ đạo này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và cần sự chặt chẽ hơn trong quản lý như hiện nay.

Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến sẽ vượt 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Mô hình TMĐT ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, nhưng hiện chưa có quy định riêng để điều chỉnh.

Điển hình như hoạt động livestream bán hàng, livestream đang trở thành xu hướng, chỉ được điều chỉnh theo các quy định chung về thương mại điện tử. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về những người tham gia (như chủ tài khoản và người livestream), thông tin tối thiểu cần cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestream, và cách kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream.

Ngoài ra, nhiều hoạt động bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội vẫn chưa được quản lý và thống kê, dẫn đến việc số liệu tiêu thụ hàng hóa có thể không phản ánh chính xác sức mua thực tế.

Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhận thấy việc xác định danh tính người bán hàng online là rất cần thiết. Hiện nay, một số sàn thương mại điện ở Việt Nam đã bắt đầu xác thực tài khoản người bán bằng căn cước công dân (CCCD), thay vì chỉ yêu cầu email hoặc tài khoản mạng xã hội như trước. Một số sàn thương mại điện tử lớn thậm chí yêu cầu người bán phải có CCCD gắn chip, giấy phép kinh doanh và mã số thuế.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, việc xác thực danh tính cá nhân có thể thực hiện thông qua 2 công cụ là CCCD gắn chip và ứng dụng VneID cấp độ 2. Việc này hoàn toàn có thể triển khai sớm khi hạ tầng công nghệ đã hoàn thiện.

https://vneconomy.vn/nguoi-ban-tren-san-thuong-mai-dien-tu-se-phai-dinh-danh-tren-vneid.htm