VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ sau khi Tòa án Tối cao giữ luật yêu cầu thoái vốn hoặc bị chặn

TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ sau khi Tòa án Tối cao giữ luật yêu cầu thoái vốn hoặc bị chặn

23:40 - 17/01/2025

Đạo luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1, yêu cầu Apple và Google phải xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng di động sau khi ByteDance từ chối bán TikTok ở Mỹ.

Tòa án Tối cao Mỹ từ chối hủy luật yêu cầu TikTok thoái vốn nếu không muốn bị cấm, nghĩa là ứng dụng video của Trung Quốc sẽ bị chặn theo luật vào ngày 19/1 – một ngày trước khi Donald Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, số phận của ứng dụng này vẫn chưa rõ ràng. Các quan chức Nhà Trắng cho biết ngày 16/1 rằng chính quyền Biden sẽ không thực thi lệnh cấm trong những giờ cuối cùng của nhiệm kỳ, trong khi ông Trump đã hứa sẽ đàm phán một thỏa thuận để cứu TikTok.

Tháng 4 năm ngoái, Joe Biden đã ký một đạo luật do Quốc hội thông qua, cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia trừ khi chủ sở hữu ByteDance bán hoạt động kinh doanh tại Mỹ.

Theo luật, Apple và Google phải xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng di động vào ngày 19/1, nếu ứng dụng này không được bán trước đó.

Đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái cho TikTok 9 tháng để thoái vốn hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nếu không sẽ bị cấm. Ảnh: Gabby Jones/Bloomberg.

Đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái cho TikTok 9 tháng để thoái vốn hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nếu không sẽ bị cấm. Ảnh: Gabby Jones/Bloomberg.

Đã có tin rằng TikTok dự định ngừng hoạt động với một thông báo hướng dẫn người dùng đến thông tin về luật cấm.

Kể từ khi đạo luật được thông qua cho đến nay, ByteDance vẫn từ chối bán ứng dụng, thay vào đó theo đuổi các vụ kiện lên tới Tòa án Tối cao.

Trong loạt phiên điều trần vào tuần trước, các thẩm phán có vẻ không tin vào lập luận của TikTok rằng đạo luật vi phạm quyền tự do ngôn luân.

Ngày 17/1, toàn bộ 9 thẩm phán Tòa án Tối cao đồng thuận quyết định giữ đạo luật.

Phán quyết của tòa thừa nhận TikTok là một nền tảng rộng lớn và riêng biệt cho hơn 170 triệu người Mỹ phát biểu và kết nối, nhưng theo xác định của Quốc hội, việc thoái vốn là cần thiết để đối phó với các lo ngại có cơ sở rõ ràng về an ninh quốc gia liên quan đến hoạt động thu thập dữ liệu của TikTok và mối quan hệ của nó với một nước đối thủ.

Ông Trump đã thúc giục Tòa án Tối cao hoãn lệnh cấm cho đến sau khi ông nhậm chức, nói rằng ông muốn đạt được một “giải pháp chính trị”.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump – người từng cố gắng cấm ứng dụng này vào năm 2020 – đã hứa sẽ “cứu TikTok”. Shou Zi Chew – CEO của TikTok – dự kiến ​​sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1.

Có tin rằng các quan chức Trung Quốc đã thảo luận về khả năng bán TikTok cho hoặc thông qua Elon Musk, nhưng TikTok bác bỏ báo cáo và gọi nó là “hư cấu”.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngày 17/1, ông Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tập Cận Bình.

Tỷ phú người Mỹ Frank McCourt và nhà đầu tư người Canada Kevin O’Leary nói rằng họ có thể xem xét mua TikTok. Năm 2020, Microsoft từng đàm phán một thỏa thuận mua lại ứng dụng.

TikTok đã nói với các nhân viên của mình ở Mỹ rằng công việc của họ vẫn an toàn, thông báo với họ vào ngày 14/1: “Nhóm lãnh đạo của chúng ta vẫn tập trung cao độ để lập kế hoạch cho nhiều kịch bản khác nhau và tiếp tục lập kế hoạch cho chặng đường phía trước”.