VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Myanmar thiếu tiền mặt

Myanmar thiếu tiền mặt

11:05 - 01/06/2021

Các ngân hàng tại Myanmar đang thiếu tiền mặt khi nhiều khách hàng xếp hàng dài để rút tiền tại các chi nhánh và ATM.

Hàng đợi tại các cây ATM bắt đầu từ sớm, thường là trước bình minh. Mọi người mang theo ghế và chiếu để ngả lưng. Khi mặt trời lên cao hơn, họ che chắn bằng ô hoặc ngồi trong bóng râm và chờ đợi.

Khách hàng ở Yangon mang ghế và ô để xếp hàng ngoài một chi nhánh ngân hàng

Khách hàng ở Yangon mang ghế và ô để xếp hàng ngoài một chi nhánh ngân hàng

Myanmar đang lâm vào cảnh thiếu tiền mặt. Kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2 và hàng chục nghìn người nghỉ việc, các ngân hàng đã áp đặt giới hạn cho việc rút tiền, khiến đám đông tụ tập tại các chi nhánh nhà băng mỗi ngày.

Ngân hàng trung ương của nước này vẫn không cung cấp cho các ngân hàng đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu, theo các chủ ngân hàng, các nhà quan sát nước ngoài và doanh nhân.

Việc sử dụng tiền mặt là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Myanmar, mặc dù đang dần hoạt động trở lại sau cuộc tổng đình công diễn ra sau cuộc đảo chính, vẫn còn mong manh.

Một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề là sự gia tăng của thị trường tiền mặt song song, trong đó một người ký chuyển khoản ngân hàng hoặc séc để đổi lấy tiền giấy được cung cấp bởi một người thứ hai với số tiền chiết khấu: ví dụ: 9.000 kyats tiền mặt cho mỗi 10.000 kyats khi đặt cọc.

“Mọi người nhận ra rằng ngay cả khi bạn đã nhận được chuyển tiền, thì hầu như vẫn không thể rút tiền ra được”, một nhân viên ngân hàng nới với tờ Financial Times (FT). “Vì vậy, tiền trong ngân hàng bị chiết khấu”.

KBZ, ngân hàng lớn nhất Myanmar, từ chối yêu cầu phỏng vấn của FT. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng hầu hết các chi nhánh của họ “đã mở cửa lại và đang hoạt động để hỗ trợ sinh kế của người dân Myanmar. Hầu hết các nhân viên đã trở lại làm việc để đảm bảo người dân được hỗ trợ cho các nhu cầu tài chính của họ”.

Sự thiếu hụt tiền giấy dường như là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền mặt. Giesecke & Devrient, công ty của Đức cung cấp nguyên liệu và linh kiện cho máy in tiền của Myanmar để sản xuất tiền giấy kyat, đã đình chỉ nguồn cung vào cuối tháng 3. Công ty cho biết việc ngừng hoạt động là để phản ứng với “các cuộc đụng độ bạo lực đang diễn ra giữa quân đội và dân thường”.

Tình trạng thiếu nhân viên tại các ngân hàng và sự thiếu tin tưởng vào khả năng quản lý nền kinh tế của chế độ dường như cũng đóng một vai trò nào đó.

Các cuộc đình công đã làm tê liệt hoạt động ngân hàng trong những tuần sau cuộc đảo chính. Các nhân viên và giám đốc ngân hàng, bao gồm cả tại Ngân hàng Trung ương Myanmar, đã đình công, buộc nhiều chi nhánh phải đóng cửa.

Kể từ tháng 4, hầu hết các ngân hàng đã mở cửa trở lại, cùng với các nhà máy và doanh nghiệp khác. Giao thông tại thủ đô Yangon đã tăng lên. Một số người tin rằng những điều này báo hiệu sự hồi sinh một phần của nền kinh tế.

Tuy nhiên, dòng tiền mặt vẫn còn eo hẹp. Các ngân hàng đã đưa ra các giới hạn ngày càng nghiêm ngặt đối với việc rút tiền tại ATM và giới thiệu hệ thống chữ ký số để hạn chế số lượng khách hàng thực hiện giao dịch tại quầy.

Các ngân hàng Myanmar đã đặt ra các giới hạn rút tiền từ ATM.

Các ngân hàng Myanmar đã đặt ra các giới hạn rút tiền từ ATM.

Ngân hàng trung ương có dự trữ tiền mặt, theo các chủ ngân hàng và các nhà phân tích, nhưng không cung cấp đủ cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu. “Có một số tiền đang lưu hành, nhưng không nhiều”, một nhà ngoại giao phương Tây ở Yangon nói.

Nhiều người ở Myanmar đã bán đồng kyat của họ lấy vàng hoặc đô la, cả hai đều đã đạt mức giá kỷ lục kể từ cuộc đảo chính.

Trong khi tình trạng thiếu tiền mặt vẫn chưa gây ra khủng hoảng, các nhà phân tích cho rằng những vấn đề kéo dài trong việc đảm bảo tiền cho hoạt động kinh doanh và ngân hàng có thể khiến các ngân hàng nhỏ dễ bị tổn thương, gây nguy hiểm cho lĩnh vực lâu nay vẫn phải vật lộn với các khoản nợ xấu.

Thant Myint-U, một nhà sử học và tác giả cho biết: “Ngành ngân hàng của Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi ban hành các quy định an toàn mới vào năm 2016 và sự sụp đổ gần như đồng thời của thị trường bất động sản”.

“Kể từ sau cuộc đảo chính, cuộc khủng hoảng ngân hàng ngày càng gia tăng do các cuộc đình công trong tháng 2 và tháng 3, việc tích trữ tiền mặt ở nhà, sự bất lực hoặc không sẵn sàng của ngân hàng trung ương trong việc cung cấp thanh khoản và sự sụp đổ niềm tin”.

Trong nhận xét được công bố trên ấn phẩm của chính phủ Global New Light, Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo quân đội, có nhắc đến việc rút tiền mặt hàng loạt. Ông nói rằng chế độ kiên quyết “vạch trần những người giữ một số tiền lớn trong tay”.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Myanmar, được thành lập bởi những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, cho biết chính quyền chịu hoàn toàn trách nhiệm. “Người dân Myanmar không tin rằng chính quyền có năng lực quản lý nền kinh tế của đất nước”, Tin Tun Naing, Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền song song, cho biết.

“Chúng ta không thể trách họ vì muốn đảm bảo rằng số tiền tiết kiệm mồ hôi nước mắt của họ không biến mất”.