VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lốp xe tải, xe buýt của Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá

Lốp xe tải, xe buýt của Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá

10:37 - 09/05/2025

Trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại Ai Cập sẽ đưa ra quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị điều tra.

Theo nguồn tin từ Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ngày 6/5/2025 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin Ai Cập đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe ô tô tải và xe buýt (mã HS 4011.20.00.10) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo số liệu sơ bộ của Hải quan Ai Cập, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam đã tăng hơn 400% trong giai đoạn 2020-2024, từ 7 triệu USD lên 36 triệu USD. Do sản phẩm tương tự từ Trung Quốc và Thái Lan hiện đang bị Ai Cập áp thuế chống bán phá giá, sự gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam có thể là một trong những lý do khiến Ai Cập xem xét khởi xướng điều tra.

Ai Cập đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe ô tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 2, Khoản 2, Luật số 161 năm 1998 của Ai Cập về phòng vệ thương mại, trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại Ai Cập sẽ quyết định có chấp nhận hồ sơ hay không. Nếu chấp nhận, trong vòng 30 ngày, cơ quan này sẽ xác minh tính chính xác và đầy đủ của thông tin trước khi trình lên Ủy ban Cố vấn. Ủy ban này sẽ đưa ra khuyến nghị cho Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ai Cập, người sẽ quyết định việc khởi xướng điều tra. Nếu vụ việc được khởi xướng, cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi cho các doanh nghiệp liên quan, với thời hạn trả lời thông thường là 30 ngày (có thể gia hạn).

Trước diễn biến này, Cục Phòng vệ thương mại đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, Cục yêu cầu các hiệp hội ngành hàng khẩn trương thông tin đến toàn bộ doanh nghiệp thành viên và các đơn vị liên quan, đồng thời nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm mà doanh nghiệp cần thực hiện ngay: Phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu Ai Cập để theo dõi sát sao tình hình; Nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định pháp lý về điều tra phòng vệ thương mại của thị trường này; Xây dựng phương án ứng phó và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cần thiết; Duy trì liên hệ thường xuyên với Cục để cập nhật thông tin và nhận hỗ trợ.

Cục đặc biệt lưu ý rằng việc chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể rủi ro và thiệt hại nếu vụ điều tra chính thức được tiến hành, qua đó bảo vệ hiệu quả thị phần và lợi ích thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Ai Cập.

https://vneconomy.vn/lop-xe-tai-xe-buyt-cua-viet-nam-xuat-khau-sang-ai-cap-co-nguy-co-bi-dieu-tra-chong-ban-pha-gia.htm