VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp có thể vận hành như thị trường tự do hay không? Chuyện từ một công ty Nhật Bản

Doanh nghiệp có thể vận hành như thị trường tự do hay không? Chuyện từ một công ty Nhật Bản

09:42 - 12/05/2025

Trong hơn một thập kỷ, nhà sản xuất máy cắt chất bán dẫn Disco trị giá 20 tỷ USD đã tiến hành một thử nghiệm mang tính cách mạng: Không ai có sếp hay phải nhận lệnh từ người khác, quyết định của họ hoàn toàn được dẫn dắt bởi hệ thống tiền tệ nội bộ gọi là Will.

Một ngày mới lại bắt đầu với một nhân viên bình thường ở Tokyo. Vào buổi sáng thứ Hai mưa tầm tã, người kỹ sư cất ô ở lối vào của một trong những tòa nhà văn phòng rộng lớn trải dài tại vùng ngoại ô từ đây tới Yokohama. Chiếc ô được đặt vào đúng vị trí và điện thoại của người kỹ sư kêu bíp.

Anh đeo khẩu trang lên mặt, như mọi người bước vào tòa nhà đều phải làm, và đi thẳng đến phòng hút thuốc ở tầng ba, vừa đi vừa nghĩ về sự tốn kém của thói quen hút thuốc. Anh mở điện thoại và mở ứng dụng của công ty để quyết định hôm nay mình sẽ làm gì. Có nhiều tùy chọn trên menu:

  • Dịch tài liệu pháp lý 52 trang: 5 triệu Will
  • Kiểm tra công cụ mài bán dẫn: 2 triệu Will
  • Tham gia phỏng vấn tuyển dụng cho sinh viên mới tốt nghiệp: 200.000 Will
  • Xử lý hóa đơn: 80.000 Will
  • Triển khai hội thảo đào tạo kỹ thuật tại nhà máy: 1,5 triệu Will

Người kỹ sư nhấp vào “đấu thầu” trên “Dịch tài liệu pháp lý 52 trang”. Số Will cho nhiệm vụ này quá lớn để anh từ chối. Sau khi điếu thuốc đã cháy hết, anh đi lên phòng hành chính chung. Khi bước vào, anh liếc xuống. Một con ngựa đồ chơi mềm cao đến đầu gối được đặt bên trong cửa. Nó là lời nhắc nhở rằng nhóm của anh là nhóm có thành tích tệ nhất và là gánh nặng lớn nhất cho công việc của công ty sản xuất dụng cụ chính xác này. Một giọt nước mắt rơi từ mắt anh.

“Ohayo gozaimasu”, người kỹ sư nói, chào quản lý nhóm của mình – cô đã ngừng chỉ đạo bất kỳ ai làm bất kỳ công việc nào từ 14 năm trước. Cô hỏi anh liệu anh có thể tổ chức tiệc làm việc cuối năm không, trả anh 15.000 Will cho nhiệm vụ này. Người kỹ sư từ chối lời đề nghị ít ỏi đó và đặt phòng họp để họp với các luật sư về bài dịch của mình. Anh kiểm tra lại ứng dụng và thở dài. Số dư Will của anh đã giảm xuống mức âm, từ 50.000 lần trước anh kiểm tra nó khi đi làm trên tàu. Việc treo ô, dùng phòng hút thuốc và đặt lịch họp đều khiến anh mất Will buổi sáng hôm nay.

Hình minh họa: James Joyce/FT.

Hình minh họa: James Joyce/FT.

Đây không phải là cảnh trong truyện khoa học viễn tưởng, mà là khởi đầu điển hình cho một ngày bình thường của gần 7.000 nhân viên tại Disco Corp, một tập đoàn 87 năm tuổi trị giá 20,8 tỷ USD, sản xuất khoảng 3/4 tổng số máy móc dùng để cắt, nghiền và thái chất bán dẫn trên toàn cầu.

Buổi sáng của người kỹ sư trên là một cảnh tưởng tượng dựa trên các cuộc trò chuyện với nhân viên hiện tại và trước đây của Disco về trải nghiệm hàng ngày của họ tại nơi làm việc.

Disco là một doanh nghiệp không giống bất kỳ doanh nghiệp nào khác. Kể từ năm 2011, họ đã tiến hành một thử nghiệm mang tính cách mạng để vận hành doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường tự do hoàn toàn. Không ai có sếp. Cấp trên không thể ra lệnh cho cấp dưới phải làm gì. Mỗi ngày, nhân viên tự chọn bất kỳ nhiệm vụ nào họ muốn. Họ có thể bỏ hoặc tham gia một nhóm khác theo ý muốn của mình.

Trong trạng thái tự do hoàn hảo này, hầu hết các quyết định của họ được điều chỉnh bởi Will – tiền tệ nội bộ của Disco. Nhân viên kiếm Will bằng cách thực hiện các nhiệm vụ. Họ trao đổi và đấu giá với các đồng nghiệp để giành quyền thực hiện các nhiệm vụ đó. Họ bị phạt Will vì những hành động có thể gây thiệt hại cho công ty hoặc làm giảm năng suất của họ. Số dư Will của họ quyết định mức tiền thưởng, được trả 3 tháng một lần.

Hệ thống Will này là đứa con tinh thần của CEO Disco. Kazuma Sekiya, 59 tuổi, xem phương pháp quản lý khác biệt của mình là nền tảng cho văn hóa và thành công của công ty. Ông Sekiya cho biết hiệu suất kinh doanh, mức độ hài lòng của nhân viên và thị phần đều được thúc đẩy nhờ hệ thống Will. Kể từ khi tung ra vào năm 2011, Disco ước tính rằng hơn 1.000 nhân viên không biết gì ngoài Will trong suốt sự nghiệp của họ. Trong thời gian đó, hệ thống đã trở nên tinh vi hơn: Ứng dụng đã trải qua hơn 100 lần cập nhật phiên bản. Niềm tin vào Will có vẻ như chỉ có tăng lên.

Các doanh nghiệp Nhật khác bắt đầu chú ý đến nó. Đại diện từ Sony, Toyota và Panasonic đã đến Disco để tìm hiểu về Will và các nhà quản lý nhân sự đã nói về sự độc đáo và đặc biệt của hệ thống này. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có ai thử làm điều tương tự. Ông Sekiya cho rằng lý do là vì các đối thủ của ông sợ phá vỡ hiện trạng. “Không ai muốn trở thành Gorbachev”, ông nói. “Ông ấy đã thay đổi hệ thống Liên Xô từ chủ nghĩa xã hội sang kinh tế thị trường tự do, nhưng sự thay đổi đó đã tạo ra Putin”.

Tuy nhiên, trong mắt ông, Will là thứ gì đó ít cực đoan hơn nhiều so với một cuộc cách mạng xã hội. “Tôi chỉ đưa hệ thống kinh tế từ thế giới thực vào nội bộ công ty”, ông nói. “Nó hiệu quả”.

Hình minh họa: James Joyce/FT.

Hình minh họa: James Joyce/FT.

Kazuma Sekiya mặc một chiếc áo khoác in dòng chữ “Disco Corporation” ở ngực trái phía trên. Đó cũng là trang phục của hai nhân viên ngồi cạnh ông, cho thấy ông tận tâm với công ty. Với bản chất là một kỹ sư và nhà công nghệ, người có con mắt tinh tường về độ chính xác, chi tiết và tỉ mỉ, vị CEO vẫn giữ chức danh tổng giám đốc bộ phận R&D kỹ thuật.

Ông Sekiya, với kiểu tóc nhọn và mắt sáng lên, cởi mở, không xấu hổ và thông thạo lý thuyết chính trị của mình. Ngay cả khi đeo khẩu trang, nụ cười của ông vẫn ấm áp. Ông là người biết lắng nghe. Ông nói rằng cánh cửa của mình luôn rộng mở với cả những nhân viên Disco cấp thấp nhất, miễn là họ sẵn sàng trả 165.000 Will để được nói chuyện trực tiếp với sếp lớn nhất trong 30 phút.

Ông Sekiya lần đầu đề xuất ý tưởng táo bạo của mình với giám đốc kế toán quản lý Toshio Naito vào năm 2008. Disco đã sử dụng hệ thống Will ở cấp phòng ban, nhưng ông Sekiya muốn mỗi cá nhân trong công ty có thể tự kiếm được Will của riêng mình. “Nếu bạn học trung học và giáo viên nói, “Đây là điểm trung bình của lớp”, thì bạn không quan tâm. Nếu họ nói, “Đây là điểm của bạn”, thì bạn quan tâm”.

Ông Naito hoài nghi, dự đoán các nhân viên sẽ nổi loạn. Những kẻ gian lận ích kỷ sẽ lừa dối hệ thống, bất bình đẳng sẽ tăng vọt. Ý tưởng này bị bẵng đi. 3 năm sau, ông Sekiya thử lại. Trong một cuộc họp chưa đến 30 phút, ông Naito chấp nhận nhượng bộ, nói với ông Sekiya: “Tôi là một nhân viên thường và nếu chủ tịch nói rằng tôi nên làm một điều trong 3 năm, thì tôi nên làm điều đó”.

Không xin phép hội đồng quan trị làm thử nghiệm, ông Sekiya và ông Naito đã gọi cho người đứng đầu “phòng ứng dụng” – nhóm gồm khoảng 70 kỹ ​​thuật viên giúp khách hàng thử nghiệm máy cắt và máy mài của Disco. Đây là môi trường hoàn hảo để xem hệ thống Will có hoạt động được hay không. Thử nghiệm sử dụng Phiếu kế toán Will, những mẩu giấy nhỏ trông giống như phiếu lương trong tay người nhận. Một nhóm kế toán chuyên trách sẽ thu thập các phiếu từ hộp thư và đưa chúng vào một file Excel. Sau vài tuần thử nghiệm hệ thống, biên lợi nhuận cải thiện và người đứng đầu bộ phận ứng dụng phản hồi rất tích cực. “Điều này sẽ có hiệu quả. Hãy tin tôi”, ông nói với ông Sekiya.

Vài tháng sau, sau khi phát triển một hệ thống công nghệ thông tin nội bộ để theo dõi sự lên xuống của Will trong doanh nghiệp, ông Sekiya đã gửi một email cho toàn công ty khiến các quản lý phải há hốc mồm. Nội dung email có đoạn: “Các sếp không thể ra lệnh cho nhân viên của mình. Bạn phải trả lương cho nhân viên bằng Will để họ làm bất kỳ điều gì”.

Hệ thống Will hoạt động như sau. Doanh số bán máy của Disco tạo ra Will. Với mỗi 1 tỷ yên (179 tỷ đồng) doanh thu mà Disco tích lũy, thường sẽ có khoảng 400 triệu Will được tạo ra cho đội ngũ bán hàng để chuyển xuống những bộ phận khác. Họ sử dụng Will để thưởng hoặc khuyến khích những nhân viên khác thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ họ. Ví dụ, họ có thể trả Will cho nhóm sản xuất để sản xuất máy móc mới để họ bán. Họ có thể chuyển Will định kỳ để trả tiền bản quyền cho nhóm nghiên cứu hoặc tặng quà cho các nhân viên nhân sự để trả lương cho họ (bằng yên).

Sâu hơn, các nhân viên có thể thương lượng trao đổi Will với nhau một cách không chính thức để làm các nhiệm vụ khác. Họ có thể thương lượng trả trước hoặc sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc bất kỳ cách thanh toán nào mà hai bên chấp thuận. Disco cũng có hệ thống đấu giá cho các nhiệm vụ, sử dụng định giá động. Càng ít người có khả năng hoặc sẵn sàng làm một nhiệm vụ, thì số Will cho nhiệm vụ đó càng nhiều. Nếu ai đó cực kỳ muốn làm một nhiệm vụ nào đó hoặc học kỹ năng từ một người khác, họ có thể đề nghị trả Will.

Disco hiện có một nhóm gồm 8 nhân viên quản lý hệ thống Will. Họ quản lý một bộ khung gồm 772 khoản phạt và 337 khoản thưởng. Khoảng 187 trong số các khoản đó được dùng thường xuyên. Ví dụ, bộ phận mua hàng phạt những người viết sai địa chỉ trên thư và bưu kiện. Nhóm truyền thông bị trừ Will nếu xuất hiện các bài viết tiêu cực về công ty.

Đối với nhân viên Disco, Will quyết định hầu hết mọi thứ họ làm. Mỗi nhân viên bắt đầu tháng với số dư Will âm. Họ phải cố gắng đưa nó lên trên 0 – có thể nói là “chi phí tồn tại”. Hệ thống cho rằng nhân viên là lực cản cố hữu đối với công ty cho đến khi họ chứng minh được điều ngược lại. Càng lên chức cao tại Disco, thì chi phí nhân viên với công ty càng lớn. Chi phí tồn tại của một nhân viên cấp trung là 10.400 Will/giờ – một nhiệm vụ thông thường có thể giúp họ kiếm được 50.000 Will. Chi phí của Sekiya là 26.600 Will/ngày.

Những người mới bắt đầu có thể kỳ vọng nhận được một vài triệu Will trong tài khoản như một khoản đệm hữu ích trong khi họ làm quen với hệ thống. Các học viên mới tốt nghiệp đại học phải tự tạo ra 20 triệu Will bằng cách thử nghiệm và tối ưu hóa máy móc cho khách hàng, trước khi họ có thể tốt nghiệp “Trường đại học ứng dụng”.

Hình minh họa: James Joyce/FT.

Hình minh họa: James Joyce/FT.

Lịch sử quản trị doanh nghiệp đầy rẫy những thử nghiệm nhằm bỏ hệ thống phân cấp từ trên xuống. Những công ty như Spotify hay Zappo tập trung vào khuyến khích các nhóm và cá nhân tự tổ chức và tự chủ nhiều hơn. Disco cũng từng thử cách như vậy, chia công ty ra làm các nhóm tự chủ, trong đó mỗi lãnh đạo tự đặt ra triết lý quản lý và mục tiêu của mình.

Ông Sekiya có dòng máu của sự đột phá. Ông nội của ông, Mitsuo Sekiya, chuyển về tỉnh Hiroshima vào năm 1937, sau khi không thấy niềm vui trong công việc kỹ trị là cai trị nhà nước bù nhìn Mãn Châu. Ông đã thành lập công ty sau này trở thành Disco tại thành phố Kure, nơi các nhà sản xuất lưỡi dao và đá mài tập trung để phục vụ cho xưởng đóng tàu hải quân rộng lớn của Đế quốc Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Mitsuo đã đến quá muộn. Lượng đơn hàng không như mong đợi nên ông chuyển đến Tokyo tìm thị trường mới, để em trai Kazu phụ trách nhà máy Kure. Năm 1941, ông mua một công ty chuyên sản xuất đá mài để cắt chính xác. Trong suốt những năm 1950, máy của ông đã được dùng để cắt đầu bút máy. Khi việc kinh doanh phát đạt, Disco nỗ lực sản xuất ra những lưỡi dao ngày càng mỏng hơn. Công nghệ cắt chính xác của công ty từng được dùng để cắt đá mặt trăng do sứ mệnh Apollo 11 đưa về Trái Đất. Từ những năm 1960 trở đi, công ty trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, hiện là nền tảng cho máy tính, điện thoại di động và tivi của thế giới.

Khi bong bóng dotcom vỡ vào đầu những năm 2000, Disco thiệt hại vì nhu cầu chất bán dẫn sụt giảm. Cháu trai của Mitsuo là Kazuma phát hiện ra hai vấn đề nội bộ. Đầu tiên là dường như không ai quan tâm nhiều đến hiệu suất tài chính của từng bộ phận. Thứ hai là khi Disco bán máy cắt cho khách hàng, họ cung cấp dịch vụ cắt thử miễn phí. Sekiya lo ngại rằng đội ngũ bán hàng của Disco bị lỗ khi thực hiện nhiều lần cắt cho những khách hàng chỉ mua một máy, thay vì tập trung vào những khách hàng có thể mua hàng trăm máy. “Giống như một đại lý ô tô cho phép nhiều lần lái thử mà không có ai mua”, ông nói.

Ông nghĩ rằng Will có thể cung cấp một giải pháp tự nhiên. Bằng cách đưa đội ngũ bán hàng của công ty vào vị trí đứng đầu chuỗi để kiếm được và phân phối tiền tệ nội bộ, ông có thể khuyến khích họ bán nhiều hàng hơn.

Lúc đầu, Will chủ yếu hoạt động như một hệ thống bêu xấu, theo lời kể của những nhân viên cũ. Các phòng ban như nhân sự và quan hệ công chúng liên tục bị bêu xấu vì số Will âm. Ngay cả bây giờ, nhóm có số dư Will thấp nhất vẫn bị bêu xấu khi phải để con ngựa đồ chơi ngồi cạnh họ. Nhưng gần đây, Will đã trở thành một cách để kiếm được nhiều tiền ảo và sau đó đổi thành yên. Nó là một công cụ loại bỏ những người không trả tiền để kiếm tiền.

Will quyết định khoảng 40% tiền thưởng của nhân viên, có thể làm tăng thu nhập đáng kể. Năm 2023, một nhân viên 41 tuổi đã kiếm được hơn 59 triệu yên (10,5 tỷ đồng) bằng cách tích lũy Will. Một nhân viên khác, đang quản lý hệ thống Will, cho biết nó là một trong những lý do khiến anh gia nhập công ty.

Ông Naito – đang điều hành Văn phòng quản lý Will của Disco – đã trở thành một người ủng hộ Will. “Nếu bạn cảm thấy khó chịu, thì Disco có thể không phải là công ty dành cho bạn”, ông nói. “Tôi đã từng bị phạt 10 triệu Will vì lỗi đặt tên tệp. Khi đó, tôi thực sự ghét Will… Nhưng ngày hôm sau, tôi nghĩ đó là tín hiệu từ Chúa rằng tôi cần kiếm và tiết kiệm nhiều Will hơn”.

Ông Sekiya là ngân hàng trung ương của Will. Việc tạo ra Will mới không chỉ đến từ bán máy. Ông Sekiya cũng có quyền phát hành Will mới để tạo ra một ngân sách nội bộ không giới hạn. Mặc dù ông phải hành động thận trọng để tránh làm mất giá trị của Will quá nhiều, ông có thể tạo ra tiền tệ theo cái gọi là dự án đặc biệt. Khoảng một nửa số Will đang lưu hành trong công ty được tạo ra từ những dự án đặc biệt này.

Hiroshi Ono – giáo sư tại Trường Kinh doanh Hitotsubashi – đã thực hiện một nghiên cứu năm 2019 về Will, một phần trong bài nghiên cứu về việc tăng năng suất thông qua cải cách phong cách làm việc tại Nhật Bản. Ông gọi Will là “một cách thú vị để khiến nhân viên nhận ra thời gian là tiền bạc, và việc bạn chỉ ngồi đó sẽ khiến công ty tốn tiền”. Ông Ono cho biết việc kiểm soát nguồn cung tiền giúp ông Sekiya tránh xa “quản lý vi mô”. Nhưng nhìn theo cách khác, ông Sekiya có toàn quyền khuyến khích hoặc thao túng nhân viên của mình hướng đến một số hành vi nhất định mà không cần thông qua nhiều lớp quản lý cấp trung.

Ông Sekiya có quyền lực hơn hầu hết các CEO không? Ông thừa nhận là có. Nhưng sau một hồi im lặng, ông bổ sung: “theo một số cách”. Ông tự coi mình vừa là người quản lý có tầm nhìn xa vừa là một nhà chuyên chế nhân từ. Ông tin rằng bàn tay vô hình của kinh tế tự do sẽ bảo vệ Disco trong tương lai khỏi phán đoán sai lầm của chính ông hoặc CEO sau ông.

Mức độ quyền lực của ông Sekiya là trọng tâm của câu hỏi liệu Will thực sự là một loại tiền tệ hay thứ gần hơn với điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc – một hệ thống kế toán nhằm kiểm soát hành vi của mọi người và định lượng mức độ tin cậy của một cá nhân. Will được đặt tên theo đồng tiền Gil trong trò chơi điện tử nhập vai Final Fantasy. Ông Sekiya cho biết ông muốn nhân viên của mình có động lực lên cấp và tiếp tục chơi giống như các game thủ. Thành công của nó có thể nằm ở việc giữ cho nhân viên không nhận ra Will là một trò chơi với nhiều luật do ông Sekiya đặt ra.

Một số cựu nhân viên cho biết ông Sekiya có thói quen thay đổi các quy tắc đó để phù hợp với mục tiêu của mình khi nền kinh tế nội bộ “tự do” mà ông tạo ra đi chệch khỏi kết quả mà ông mong muốn. Một người cho biết: “Vị trí của ông ấy là người đứng đầu bộ máy hành chính của công ty, cũng như thẩm phán và trọng tài của cái nền kinh tế điều chỉnh và định hướng mọi động cơ thúc đẩy hành vi tại công ty, là một sự đối ngẫu có thể dẫn đến khuynh hướng độc đoán”. Một người khác nói thẳng hơn: “Đó là sự hỗn loạn… Chủ tịch đưa ra những quy tắc mới để chỉ đạo mọi thứ. Đó luôn là trò chơi mèo vờn chuột.”

Ông Sekiya không thích hình ảnh của mình xuất hiện trên các bài báo. Mặc dù thích thú với các phong cách lãnh đạo tương phản, từ tổng thống hành pháp ở Mỹ đến chế độ độc tài của Triều Tiên, ông cho biết dự án Will không phải là về mình: ông muốn tuyển dụng những tài năng hàng đầu cho Disco. Do đó, hình ảnh của ông càng xuất hiện nhiều trong bài báo này, bộ phận truyền thông càng bị trừ nhiều Will hơn.

Nhưng ông nhấn mạnh hệ thống này không chỉ là một trò chơi. Ông chia động lực của con người thành hai loại: bên trong và bên ngoài. Đó là sự khác biệt giữa điều bạn muốn làm và điều bạn cảm thấy buộc phải làm. Khi bạn bắt đầu hẹn hò, bạn muốn đi ăn tối. Khi bạn kết hôn, bạn phải làm vậy, ông nói. “Nếu công việc hoàn toàn được thúc đẩy bởi động lực bên trong, thì tổ chức đó sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Tiền có sức mạnh kỳ diệu để chuyển đổi động lực bên ngoài thành động lực bên trong”, ông nói.

Ông chấp nhận rằng việc so sánh Will với điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc là công bằng. Nhưng để bảo vệ Will, ông nói rằng hệ thống này chủ yếu được xây dựng dựa trên sự tin tưởng hơn là giám sát từ trên xuống. Nếu ai đó tranh chấp một khoản thanh toán hoặc làm việc kém, họ sẽ không được giao nhiệm vụ nữa. Will hoạt động trong cái mà giáo sư Ono gọi là “cộng đồng làng”.

Đây là điểm mà Will và nền kinh tế bên ngoài bắt đầu khác biệt. Trong đời thực, tiền tệ và cơ chế phát hiện giá cả tạo điều kiện cho giao dịch giữa những người không quen nhau. Trong Disco, Will có mối liên hệ ngầm với lòng tin và quan hệ. Bạn có thể tự hạ giá chào để xây dựng quan hệ với một kỹ sư tài năng, và người chấp nhận giá thấp nhất có thể không nhận được nhiệm vụ nếu họ không được tin tưởng. Các mối quan hệ tin cậy có thể cản trở quyền tự do tối đa hóa thu nhập.

Về cơ bản, cấu trúc của một doanh nghiệp không phù hợp với thị trường tự do. Bộ phận nhân sự độc quyền tuyển dụng và quản lý bảng lương. Không có nơi nào khác cung cấp dịch vụ này nếu giá không phù hợp. “Có những đơn vị độc quyền tích hợp trong công ty”, một cựu nhân viên của Disco cho biết. “Bộ phận nhân sự tính phí vô lý vì không có lựa chọn khác. Có một loạt các đơn vị độc quyền xoay vòng một số tiền cố định”.

Theo thiết kế, Will không phải là tài sản có thể chuyển nhượng và không cho phép tiết kiệm, cho vay và hình thành vốn như một hệ thống tiền tệ thực sự. Không thể tiêu Will bên ngoài Disco. Một cựu nhân viên nói ông Sekiya khiến tất cả nhân viên liên tục “chèo thuyền ngược dòng”.

“Không ai dùng Will ở bất kỳ nơi nào khác. Nó không tồn tại bên ngoài công ty. Nói một cách đơn giản, nó không phải là một loại tiền tệ. Nó chỉ là một bảng tính mà họ quyết định đặt cho các con số một cái tên khác. Và thứ thực sự ở dưới cùng là yên”, theo Tony Yates, một nhà kinh tế và cựu giám đốc ngân hàng trung ương. “Cuối cùng, [nó] chỉ xác định số tiền [nhân viên] được trả bằng loại tiền tệ mà mọi người khác sử dụng”.

Một cựu nhân viên có nền tảng luật đã cố gắng thoát khỏi “Trường Ứng dụng” để vào một bộ phận pháp lý mà không phải làm việc trong nhiều tháng trên sàn nhà máy. “Tôi nhận ra rằng không có con đường nào để gia nhập nhóm tôi muốn tham gia mà không phải mất 4 năm làm những việc mà tôi không quan tâm”, người này nói. “Tôi cảm thấy khá thất vọng khi họ thể hiện họ rất linh hoạt và tiến bộ, nhưng tôi bị cản trở ở mọi hướng… giống như tôi đang chơi trong một cái hố cát với những món đồ chơi mà họ đưa cho tôi, nhưng cái hố cát đó quá nhỏ”.

Trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, Disco đã sản sinh ra một thế hệ những nhà tư bản thuần chủng. Những người ở bên trong có cảm giác rất sâu sắc rằng mọi hành động đều được diễn giải theo giá trị tiền tệ. Một số nhân viên đã lấy cảm hứng từ Will để tạo ra hệ thống tiền tệ nội bộ tại nhà nhằm kiểm soát con cái. “Tôi có lợi ích gì khi trả lời phỏng vấn bạn, nếu nó miễn phí?”, một cựu nhân viên hỏi khi được tiếp cận để bình luận về câu chuyện này.

Trong thời kỳ Covid-19 và làm việc tại nhà, lập trường không khoan nhượng của Disco gây chia rẽ. Ông Sekiya tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của làm việc trực tiếp. Ông cho biết nhân viên làm việc tại nhà “kém hiệu quả” và dễ mất tập trung. Mức Will mà một nhân viên phải trả để làm việc từ xa rất cao để mang tính trừng phạt. Khi đại dịch ở đỉnh, tiền phạt từ những người làm từ xa giúp trả tiền thưởng cho những anh hùng làm việc tại nhà máy – giúp duy trì dòng sản phẩm khi nhu cầu điện tử toàn cầu tăng vọt.

Disco không giới hạn thời gian làm thêm ngoài mức quy định của pháp luật. Lý thuyết là Will khuyến khích hành vi hiệu quả bằng cách phạt các hoạt động không cần thiết. Trên các trang tuyển dụng của mình, công ty cho biết họ không phải là nơi làm việc phù hợp với những người muốn ưu tiên cuộc sống cá nhân. Mặc dù số giờ làm thêm đã giảm 9% từ năm 2015, nhân viên Disco trung bình vẫn làm thêm 42,8 giờ mỗi tháng so với 15 giờ ở các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản khác.

Đối với Kate Hoch – từng làm kỹ sư hiện trường Disco tại Mỹ từ năm 2014 đến năm 2017 – giờ làm việc quá nhiều. Cô đã nghỉ việc sau khi được yêu cầu xử lý các hợp đồng dịch vụ 24/7 cho Intel. “Chúng tôi không có đủ người để xử lý chúng. Tôi có 3, 4 điện thoại di động vì tôi phải trực các máy khác nhau 24/7”. Đối với cô, Will chỉ là “một thứ khác tạo thêm việc để làm”.

Một rủi ro lớn đối với một đồng tiền nội bộ là nó có thể phân bổ sai giá trị của các hoạt động không tạo lợi nhuận rõ ràng hoặc ngay lập tức. Will chủ yếu thưởng cho những hoạt động tạo ra doanh số bán hàng tại chỗ. Nhưng nhiều nhiệm vụ thiết yếu trong một doanh nghiệp có thể tạo ra ít giá trị tiền tệ rõ ràng. Ví dụ, nhân viên nghiên cứu các máy thế hệ tiếp theo thay vì các máy đang được bán hiện nay không tạo ra doanh thu – và do đó kiếm ít Will – trừ khi ông Sekiya khắc phục thất bại thị trường này thông qua một dự án đặc biệt.

Một kỹ sư phần mềm đã rời Disco vì thấy hệ thống Will không thưởng đủ cho hoạt động của mình, vốn không phải là những hoạt động bán chạy nhưng lại quan trọng đối với khách hàng. Công việc của người này về cơ bản trở thành việc thuyết phục các nhà quản lý công nhận đóng góp của mình bằng cách tạo ra những mục mới trên ứng dụng Will. Theo quan điểm của người đó, Will đã biến Disco thành một công ty ngắn hạn và tự mãn.

“Suy nghĩ kỳ hạn 6 tháng thực sự khuyến khích hành vi ngắn hạn và gây tổn hại đến triển vọng dài hạn của công ty. Will có thể đã khuyến khích mọi người sản xuất máy hiện tại thay vì máy giúp họ luôn dẫn đầu”, người đó nói.

Ở văn phòng của Disco, có một trung tâm cá cược được biết đến trong nội bộ là “Đấu trường”. Nằm ở tầng 8 của tòa nhà, căn phòng bao gồm “góc đỏ” ở một bên và “góc xanh” ở bên kia, trước một dãy bàn khoảng 90 chỗ ngồi. Mỗi thứ Sáu, các nhân viên sẽ đưa ra ý tưởng trong vòng 60 giây để cải thiện cách làm việc, cạnh tranh với một ý tưởng của đối thủ từ một phòng ban khác. Người thuyết trình chỉ được dùng một slide PowerPoint. Will đóng vai trò trung tâm trong cuộc thi này, vì người xem sẽ bỏ phiếu chọn người thắng bằng nó. Bên nào tích lũy được nhiều Will nhất thắng, đề xuất của họ sẽ được thực hiện và họ bỏ túi Will. Những người đặt cược vào bên thắng cũng nhận được Will dựa trên số tiền cược vào bên thua.

Khá giống như hệ thống cải tiến liên tục Kaizen của Toyota, Đấu trường là một phần của cái mà Disco gọi là hệ thống Quản lý Đổi mới Hiệu suất. Trong một năm, có khoảng 4.800 cuộc thi Will diễn ra. Ông Sekiya hầu như không bao giờ bỏ lỡ một cuộc đấu nào. Ông đặt những câu hỏi thăm dò và đưa ra quan điểm thẳng thắn cho những người mà ông biết rõ, theo những người tham dự trước đây. Giống như Caesar, ông Sekiya có phiếu bầu then chốt, và giống như người La Mã được cho bánh mì và rạp xiếc, nhân viên của Disco được xoa dịu bằng tiền thưởng và cuộc đua giành Will.

Cỗ máy Will không ngừng cải thiện năng suất. Vì lợi ích của nhân viên trong phòng hút thuốc, phòng nhân sự đã nảy ra một ý tưởng tại Đấu trường. Họ nhận thấy giờ nghỉ của những người hút thuốc kéo dài hơn và chuẩn bị một loạt 5 video dài một phút để phát cho những người này biết thời gian đang trôi qua. Khi điều đó không tạo ra sự khác biệt, họ đề xuất đổi màu nền của mỗi video để làm rõ hơn cảm giác thời gian trôi qua. Giờ nghỉ hút thuốc không còn kéo dài nữa.

Theo:

https://www.ft.com/content/c04389a3-c672-43ce-8d9e-724668c0e490