VNReport»Top»10 ngọn núi cao nhất Việt Nam

10 ngọn núi cao nhất Việt Nam

08:13 - 13/07/2021

10 ngọn núi cao nhất Việt Nam chủ yếu nằm ở dãy Hoàng Liên Sơn trên địa bàn 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Fansipan

Thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai khoảng 9km về hướng Tây Nam, Fansipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và cũng được gọi là nóc nhà Đông Dương. Chiều cao của đỉnh núi đo đạc năm 1909 là 3.143 m. Tuy vậy, theo số liệu mới nhất của Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 6 năm 2019, đỉnh núi Fansipan thực tế cao 3.147,3m.

Ước mơ chinh phục Fansipan luôn là một cột mốc cực kỳ ý nghĩa với bất cứ ai đam mê chinh phục. Đỉnh Fansipan chót vót, nằm giữa trùng mây với địa hình hiểm trở luôn là điểm hẹn hấp dẫn của các nhà leo núi. Hiện nay, ngoài đường bộ còn có một tuyến cáp treo 3 dây do Sun Group đầu tư nhằm đưa du khách lên tận đỉnh núi dễ dàng. Tuyến cáp treo này đã được công nhận là tuyến cáp treo 3 dây dài nhất thế giới với chiều dài 6,325 m.

Pu Si Lung 

Nằm ở gần cột mốc 42 biên giới Việt Trung thuộc địa phận xã Pa Vệ Tẻ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Pu Si Lung được ví như nóc nhà của ải biên giới Việt Nam với độ cao 3.080m.

Pusilung cũng là đỉnh núi hoang sơ và quyến rũ nhất trong số các đỉnh núi cao của Tây Bắc bởi sở hữu địa hình hỗn hợp với những dốc trơn và suối lớn, bao quanh bởi rừng già cổ thụ. Đến nay Pu Si Lung vẫn được coi như đỉnh núi khó chinh phục nhất khi có cung đường trekking dài nhất với tổng quãng đường có thể lên tới 60km và hành trình chinh phục ngọn núi này thường kéo dài 3 ngày 2 đêm.

Putaleng

Núi Putaleng hay còn được người H’Mông gọi là Pú Tả Lèng. Đây là ngọn núi nằm ở địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Với độ cao 3.049m so với mực nước biển, Putaleng được biết đến là ngọn núi cao thứ 3 của Việt Nam.

Nếu muốn được đắm mình dưới dòng suối mát lạnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp “nữ hoàng Tây Bắc” hay được lạc lối trong khu rừng cổ tích thì không thể bỏ qua đỉnh núi Putaleng. Putaleng sở hữu hệ thống thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng. Chúng phát triển tốt tươi, tự nhiên và không hề có dấu hiệu bàn tay con người “xâm nhập trái phép”. Sự hoang sơ đó khi kết hợp cùng vẻ đẹp núi non trùng điệp hùng vĩ tạo nên bức tranh Putaleng vô cùng rực rỡ.

Ky Quan San

Ky Quan San với đỉnh núi cao nhất là Bạch Mộc Lương Tử, là dãy núi nằm giữa ranh giới giữa hai huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai và huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu, có độ cao hơn 3.046m so với mực nước biển. Đúng như cái tên Bạch Mộc Lương Tử, ngọn núi này được ví như chốn thần tiên giữa trần gian bởi vẻ kì vĩ, hoang sơ nhưng đầy thơ mộng.

Được khai phá từ năm 2012, đến nay Bạch Mộc Lương Tử đã trở thành một địa điểm trekking cực kỳ nổi tiếng. Đây là một địa điểm cực hot với những tín đồ thích chinh phục các cung đường rừng, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm các hoạt động cắm trại, BBQ trên rừng núi. Thời gian để leo Bạch Mộc Lương Tử trung bình hết từ 2-4 ngày.

Khang Su Văn

Khang Su Văn cao 3,012 m là đỉnh núi cao thứ 5 Việt Nam, thuộc biên giới Việt Trung, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Nơi đây chưa được nhiều người biết đến nên vẫn giữ được khung cảnh hoang sơ và mọi thứ đều thuộc về nguyên bản.

Ngoài rừng chè cổ thụ ngàn năm tuổi, Khang Su Văn sở hữu thảm thực vật đa dạng như rừng thảo quả, hoa đỗ quyên trắng, vàng hay những khu rừng nguyên sinh hầu như chưa hề có sự tác động của con người. Lạc bước đến đây bạn giống như trở về những khu rừng thời cổ đại với thân cây cao lớn, hình thù kỳ dị, rêu phủ từ gốc lên đến ngọn, cành, lá. Và tận mắt chứng kiến cảnh đẹp biển mây như chốn bồng lai tiên cảnh.

Tả Liên 

Tả Liên là đỉnh núi thuộc Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu có độ cao 2,993 m. Đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Lai Châu mà du khách không thể bỏ lỡ khi có cơ hội tới đây.Khung cảnh núi non hùng vỹ, thảm thực vật rừng nguyên sinh của dãy Tả Liên Sơn với những cây cổ thụ lớn bằng vài người ôm, dây leo quấn quanh phủ đầy rêu phong, như một khu vườn cổ tích luôn thu hút các bước chân ưa khám phá.

Với hệ thực vật phong phú, rừng già nguyên sinh và nhiều loài hoa dại nở, núi Tả Liên là một bí ẩn với nhiều người, kể cả dân leo núi chuyên nghiệp.

Tà Chì Nhù 

Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2,979 m ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cũng là một đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp. Đây là một trong những địa điểm săn mây lý tưởng hay còn được gọi với cái tên “Thiên đường mây”.

Khi đứng trên đỉnh của Tà Chì Nhù, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của mây ngàn, đón gió và cảm giác được chạm vào mây. Tà Chì Nhu còn nổi tiếng với loài hoa Chi Pâu tím biêng biếc, nở rộ bao phủ khắp các đỉnh núi vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10.

Pờ Ma Lung

Đỉnh Pờ Ma Lung nằm ở bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu và là ranh giới tự nhiên trên đường biên Việt – Trung và nằm giữa mốc 83. Đứng trên đỉnh Pờ Ma Lung có thể nhìn rõ dãy Hoàng Liên Sơn với từng đỉnh núi như Fansipan, Putaleng, Tả Liên, Kỳ Quan San cũng như vùng núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn, Ngải Thầu của nước láng giềng.

Với độ cao 2967m, Pờ Ma Lung là cao điểm kết dính bức sơn thành Tây Bắc. Điểm nổi bật của đỉnh Pờ Ma Lung là những con suối đá lớn bậc nhất Tây Bắc và thác Rồng Tiên 3 tầng tuyệt đẹp. Nương thảo quả rộng lớn dưới tán rừng nguyên sinh cũng là một điểm ấn tượng khó quên khi nhắc tới Pờ Ma Lung.

Nhìu Cồ San

Nhìu Cô San, còn được mệnh danh là sừng trời, nằm ở địa phận tỉnh Lào Cai có độ cao 2,965m cũng thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn. Đường lên Nhìu Cô San tuy không quá dài (14-15km) nhưng nổi tiếng khó khăn và hiểm trở, đặc biệt là có nhiều thú dữ. Mùa đông ở Nhìu Cô San còn có cả tuyết rơi.

Địa hình ở đây có sự thay đổi rõ rệt từ chân núi lên đến đỉnh. Phía dưới là cây bụi, đồng cỏ và vách đá, lên cao một chút là rừng thảo quả, rừng nguyên sinh, thân gỗ cao lớn. Trên đỉnh là các loại cây lá kim, rừng hỗn hợp thấp tầng. Nhìu Cồ San vốn nổi tiếng là một cánh rừng già với đầy đủ các loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi, nhiều nương thảo quả xanh tốt.

Chung Nhía Vũ

Là ngọn núi kết thúc danh sách 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, Chung Nhía Vũ với độ cao 2918m, nằm ở xã Nậm Xa, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây là ranh giới tự nhiên trên đường biên Việt – Trung và nằm gần các mốc giới 83, 84; chân núi gần mốc 85.

Đây cũng là một trong các ngọn núi cao nhất Việt Nam với cung đường ngắn và không quá khó đi, dễ dàng di chuyển trong ngày. Địa hình chủ yếu là rừng trúc, rừng tre, suối lớn và khu rừng cây thảo quả. Khu rừng leo núi được mẹ thiên nhiên ưu đãi với nhiều món đặc sản tự nhiên mà du khách có thể thưởng thức.