VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán toàn cầu rung chuyển

Chứng khoán toàn cầu rung chuyển

10:22 - 20/07/2021

Chứng khoán châu Âu có ngày giao dịch tệ nhất trong năm. Ở Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 1,6%. Chứng khoán châu Á cũng giảm trên 1%.

Mối đe dọa từ biến thể Delta của virus corona tấn công thị trường chứng khoán toàn cầu vào thứ hai, khiến các sàn châu Âu có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm và chứng khoán Mỹ giảm 1,6%.

Giá hàng hóa cũng giảm khi các nhà đầu tư đang hướng đến nơi trú ẩn an toàn là trái phiếu chính phủ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu – xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Điều này thể hiện rõ sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư khi lo ngại về lạm phát không kiểm soát đang dần bị thay thế bởi lo ngại về sự bền vững của tăng trưởng kinh tế Mỹ cùng với sự lây lan của biến thể Delta.

Chỉ số Stoxx Europe 600 toàn châu Âu đã mất 2,3% trong ngày giảm giá mạnh nhất trong năm 2021. Chỉ số FTSE 100 ở London cũng giảm tương tự.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số S&P 500 mất hơn 2% trước khi phục hồi một phần trong phiên giao dịch buổi chiều, đóng cửa thấp hơn 1,6%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,1%. Dầu thô Brent tiêu chuẩn giảm 7,1% xuống 68,38 USD/thùng, sau khi OPEC và các đồng minh tuyên bố đạt được thỏa thuận tăng sản lượng.

Ở châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,8% và Nikkei 225, đại diện cho chứng khoán Nhật Bản, giảm 1,3%.

Các chỉ số S&P 500, FTSE 100 và Hang Seng đều giảm mạnh trong ngày 19/7. Nguồn: TradingView

Các chỉ số S&P 500, FTSE 100 và Hang Seng đều giảm mạnh trong ngày 19/7. Nguồn: TradingView

Lợi suất của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ – một tiêu chuẩn cho các loại tài sản trên toàn thế giới – giảm 0,10 điểm phần trăm xuống 1,19%, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Hai. Lợi suất trên trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức giảm xuống -0,39% và trên kỳ hạn 10 năm của Anh xuống 0,56%, mức thấp nhất trong 5 tháng đối với cả hai.

Trái phiếu chính phủ đã tăng giá trong nhiều tuần do lo ngại về lạm phát trong năm nay bắt đầu giảm bớt. Nhưng động thái hôm thứ Hai đánh dấu mức giảm lợi suất đáng kể và sự thay đổi trong tâm lý khi mức tăng giá trái phiếu đi kèm với việc bán tháo cổ phiếu.

“Đây là nhận thức của thị trường rằng chúng ta đang chuyển từ sự phục hồi rõ ràng hình chữ V sang một điều gì đó không chắc chắn hơn nhiều”, Mohammed Kazmi, giám đốc danh mục đầu tư tại Union Bancaire Privée, cho biết. “Hy vọng rằng vaccine sẽ kết thúc cuộc khủng hoảng. Giờ đây, các nhà đầu tư đang nhìn vào Anh và cảm thấy một chút lo sợ liên quan đến việc mở cửa trở lại mạnh mẽ như vậy khi số ca nhiễm vẫn còn cao”.

Việc cổ phiếu giảm giá sau nhiều tháng tăng ổn định trên các thị trường trên thế giới cũng phản ánh mối lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế tạo ra bởi sự mở cửa trở lại của các ngành sau khi ngừng hoạt động năm ngoái có thể đạt đỉnh điểm trong bối cảnh lạm phát gia tăng ở châu Âu và Mỹ.

“Định giá và tâm lý đều đạt mức tăng cao nhất”, Ewout van Schaick, người đứng đầu bộ phận đầu tư đa tài sản tại NN Investment Partners, cho biết. “Bây giờ, tất nhiên là sự trở lại của virus đang gây ra sự không chắc chắn về tiến bộ kinh tế trong những tháng tới”.

Bang New York hôm thứ bảy ghi nhận hơn 1.000 trường hợp nhiễm Covid-19 trong một ngày lần đầu tiên kể từ giữa tháng Năm. Trong khi đó, chính quyền các nước bao gồm Úc và Việt Nam đang chống chọi với tình trạng ca nhiễm gia tăng. Singapore thắt chặt các hạn chế về giãn cách xã hội và việc chuẩn bị cho Thế vận hội ở Tokyo đã bị cản trở bởi sự bùng phát của virus corona.

Anh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào thứ Hai trong khi hơn nửa triệu người, bao gồm cả Thủ tướng Boris Johnson, đã được yêu cầu cách ly sau khi tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.

Đồng bảng giảm 0,7% so với đồng USD xuống 1,3665 USD/GBP, mức thấp nhất kể từ đầu tháng Hai. Chỉ số USD, đại diện cho giá trị của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chính, tăng 0,2%.

Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 9% trong quý II, nhưng thấp hơn sau đó. Dữ liệu mới sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Giá tiêu dùng Mỹ tăng 5,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ 2020, do các nút thắt chuỗi cung ứng do dịch bệnh và các gói kích thích tiền tệ và tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD. Lạm phát ở Anh cũng vượt mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này vào tháng trước.

1 bình luận
    Bình luận của bạn