VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Thể thao Việt Nam “trắng tay” tại Olympic Tokyo 2020

Thể thao Việt Nam “trắng tay” tại Olympic Tokyo 2020

09:55 - 30/07/2021

Đây là một kết quả buồn, nhưng không hề bất ngờ.

Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 với 18 vận động viên ở 11 môn thi đấu. Những niềm hy vọng lớn nhất của Việt Nam để tranh Huy chương Olympic như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên… đều đã thất bại. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ đứng thứ 22 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam dù đang là đương kim vô địch Thế vận hội. Hai niềm hi vọng chính ở môn cử tạ, Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) đứng thứ 5 còn Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg) thậm chí còn không được tính thành tích do thi đấu không thành công ở cả ba lần cử đẩy. Nữ võ sĩ boxing được chờ đợi như một “nhân tố bí ẩn” Nguyễn Thị Tâm cũng bị loại ngay từ trận đầu…

Sớm chấp nhận cảnh “tay trắng” khi mà Olympic 2020 còn tới chục ngày thi tài, đây có lẽ là một kỳ Thế vận hội “tệ” nhất về chuyên môn của thể thao Việt Nam. Lần gần nhất, thể thao Việt Nam không giành huy chương ở sân chơi này là tại Hy Lạp năm 2004.

Những thất bại này rất đáng buồn nhưng không hề bất ngờ bởi Olympic là nơi tập hợp các nhà vô địch châu lục, những nhà vô địch thế giới của mỗi môn và những vận động viên vượt qua được những vòng loại gắt gao của mỗi liên đoàn quốc tế. Vì vậy, 11.000 vận động viên đến Olympic Tokyo lần này, bên cạnh những nhà vô địch thế giới hay cựu vô địch Olympic, họ đều có trình độ rất cao.

Trong khi trình độ thể thao tại Olympic không ngừng tăng cao, thể thao Việt Nam vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”. Tổng kết qua ba kỳ Thế vận hội tương ứng với một thập kỷ, thể thao Việt Nam vẫn chỉ có nền tảng, trình độ ở mức rất thấp so với “đỉnh” Olympic và không thay đổi được nhiều. Việt Nam thiếu hẳn những “mũi nhọn” đủ sức tranh chấp sòng phẳng huy chương. Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh ở Rio là một trường hợp đột phá và ngoại lệ.

Trên thực tế, ngành thể thao vẫn chỉ đang hướng tới Olympic với mục tiêu “giành suất tham dự” chứ chưa phải để tranh chấp thành tích. Và thực tế, việc chuẩn bị cho Olympic vẫn chỉ mang tính ngắn hạn, dàn trải mang nặng kiểu cách của một sân chơi SEA Games mang tính thời vụ, với một trình độ rất thấp.

Có lẽ đã đến lúc không thể muộn hơn, thể thao Việt Nam cần có một chiến lược mới với cách tiếp cận mới cho Olympic. Ngoài việc phấn đấu có ngày càng nhiều VÐV của nhiều môn giành quyền dự tranh, thể thao Việt Nam cũng phải nhìn nhận rõ ràng: Đến Olympic không chỉ để cọ xát, học hỏi mà quan trọng nhất phải đạt thành tích tốt, với những tấm huy chương ở một số môn mà Việt Nam có khả năng, điều kiện, phù hợp với xu thế quốc tế.