VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát Mỹ tháng 7 cao nhất trong 13 năm

Lạm phát Mỹ tháng 7 cao nhất trong 13 năm

09:42 - 12/08/2021

Tốc độ lạm phát ở Mỹ theo năm trong tháng 7 là 5,4%, bằng với mức kỷ lục 13 năm được báo cáo vào tháng 6.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng của Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 7 do áp lực lạm phát vẫn tiếp diễn trong bối cảnh có những hạn chế của chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng vọt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Cục Thống kê Lao động công bố đã tăng 5,4% trong tháng 7 so với một năm trước, vượt qua mức 5,3% mà các nhà kinh tế dự đoán. Con số này bằng với mức tăng 5,4% được báo cáo vào tháng 6, là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008.

Tính theo tháng, giá đã tăng 0,5%, so với mức tăng 0,9% trong tháng Sáu.

Hầu hết các quan chức của Fed giữ nguyên quan điểm rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời.

Hầu hết các quan chức của Fed giữ nguyên quan điểm rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời.

Áp lực lạm phát, ngay cả khi loại bỏ các mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, chỉ giảm một chút. Chỉ số lạm phát cơ bản này đã tăng 4,3% trong tháng 7 so với năm trước, thấp hơn một chút so với mức tăng 4,5% của tháng 6.

Liệu sự gia tăng giá tiêu dùng gần đây có biến thành lạm phát dai dẳng hay không là một vấn đề tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có quan điểm chung là lạm phát sẽ giảm dần theo thời gian, khi tình trạng thiếu hụt và các hạn chế trong chuỗi cung ứng do đại dịch giảm bớt. Nhưng Jerome Powell, chủ tịch ngân hàng trung ương này, gần đây đã thừa nhận rằng rủi ro lạm phát đang nghiêng về “phía tăng” trong ngắn hạn.

Dữ liệu gần đây cho thấy áp lực lạm phát đã bắt đầu mở rộng ra ngoài các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình tái mở cửa nền kinh tế, chẳng hạn như giá vé máy bay và các chi phí liên quan đến du lịch khác. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ không chỉ là hiện tượng “nhất thời”. Đặc biệt, các nhà kinh tế đang theo dõi sự tăng vọt gần đây của chi phí nhà ở, cũng như tăng trưởng tiền lương.

Ngày càng nhiều các quan chức của Fed bắt đầu đưa ra quan điểm rằng cơ quan này nên sớm xem xét thu hẹp lại gói kích thích chính sách tiền tệ chưa từng có của mình, bao gồm 120 tỷ USD tiền mua hàng tháng các tài sản bao gồm chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp và trái phiếu chính phủ.

Fed đã nói rằng họ sẽ duy trì tốc độ mua tài sản đó cho đến khi thấy “tiến bộ đáng kể hơn nữa” đối với mục tiêu lạm phát trung bình 2% và toàn dụng lao động.

Raphael Bostic, chủ tịch của Fed Atlanta và là một người bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cho biết trong tuần này rằng Fed đã đạt được mục tiêu đầu tiên trong số những mục tiêu đó. Quan điểm này được ủng hộ bởi Tom Barkin của Fed Richmond, Eric Rosengren của Boston và James Bullard của St Louis, cùng những người khác.

Thống đốc Fed Christopher Waller gần đây đã nêu quan điểm về việc đưa ra quyết định cắt giảm các biện pháp kích thích vào tháng 9. Trong khi đó, phó chủ tịch Richard Clarida ủng hộ một động thái vào cuối năm.

Powell không đề xuất một thời gian biểu cụ thể, nhưng đã xác nhận rằng đang có một cuộc tranh luận về cách thức cụ thể mà Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.