VNReport»Top»5 nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới

5 nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới

16:59 - 13/08/2021

5 nước châu Á tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới, đứng đầu là Trung Quốc/Hồng Kông, Việt Nam đứng thứ 3.

Trong năm 2020, thị trường mì ăn liền thế giới ghi nhận mức tiêu thụ hơn 100 tỷ gói, tăng 14,8% so với năm 2019. Nhu cầu người dùng tăng mạnh là do tác động của Covid-19, khiến các loại thực phẩm khô trở nên phổ biến hơn.

Sau đây là 5 thị trường mì gói lớn nhất thế giới, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) năm 2020.

  1. Trung Quốc/Hồng Kông (46,4 tỷ gói)

Với dân số 1,4 tỷ người, thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là thị trường mì gói lớn nhất thế giới. Trong năm ngoái, người dân ở đây đã tiêu thụ 46,4 tỷ gói mì ăn liền, chiếm đến 46,3% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Từ 2016-2019, thị trường mì ăn liền Trung Quốc tăng trưởng chậm, từ 1-3% năm. Nhưng tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 vọt lên mức 11,8% do đại dịch Covid-19 khiến nhiều người có nhu cầu dữ trự thực phẩm khô.

Thương hiệu mì gói phổ biến nhất là Master Kong của Đài Loan, với thị phần 47% vào năm 2018. Đứng thứ hai là Uni-Present cũng của Đài Loan với thị phần 21%.

  1. Indonesia (12,6 tỷ gói)

Indonesia đứng đầu các thị trường mì ăn liền Đông Nam Á với doanh số 12,6 tỷ gói, chiếm 12,6% thị trường toàn cầu.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, quy mô thị trường này có xu hướng chững lại. Kể cả trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu mì gói ở Indonesia vẫn không thay đổi nhiều.

Nhà sản xuất nội địa Indofood thống trị thị trường mì gói Indonesia, với thị phần 71% trong năm 2017. Đứng thứ hai là Wings – một công ty nội địa khác – với thị phần 19%. Đáng chú ý, các nhà sản xuất mì gói Indonesia phụ thuộc nhiều vào lúa mì từ Úc, nơi xuất xứ của 50-60% lượng lúa mì nhập khẩu của Indonesia.

  1. Việt Nam (7,0 tỷ gói)

Trong năm 2020, thị trường mì gói Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 vào năm 2019 lên thứ 3 thế giới. Nhu cầu mì ăn liền trong nước đạt 7,0 tỷ gói trong năm ngoái, tăng 29% so với một năm trước đó.

Đáng chú ý, mức tiêu thụ mì ăn liền trên đầu người của Việt Nam cao nhất trong top 5, đạt 72,9 gói/người trong năm 2020.

Tính đến 2019, có hơn 50 nhà sản xuất mì gói ở Việt Nam. Tính đến tháng 9/2020, khoảng 35% thị phần thuộc về Acecook Việt Nam. Đứng ở vị trí thứ 2 là Masan, với thị phần khoảng 27%.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vào cùng năm, cứ 2 ngày có một sản phẩm mì ăn liền mới ở Việt Nam.

  1. Ấn Độ (6,7 tỷ gói)

Thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ trung bình 12% trong 4 năm từ 2017-2020. Năm ngoái, nhu cầu mì ăn liền ở Ấn Độ đạt 6,7 tỷ gói.

Gã khổng lồ thực phẩm Nestle của Thụy Sĩ chiếm 60% thị phần thị trường này, với thương hiệu mì ăn liền Maggi. Đứng thứ hai là nhà sản xuất nội địa ITC.

Năm 2015, Nestle bị cấm quảng cáo và bán mì gói Maggi do có mức mì chính và chì vượt quá ngưỡng cho phép. Các sản phẩm Maggi đã trở lại các kệ hàng vào tháng 11 cùng năm, đi kèm với chiến dịch quảng cáo để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Ấn Độ.

  1. Nhật Bản (6,0 tỷ gói)

Quê hương của mì ăn liền đứng thứ 5 trong danh sách này với mức tiêu thụ 6,0 tỷ gói trong năm 2020.

Trong những năm gần đây, thị trường mì gói Nhật Bản không tăng trưởng nhiều, đạt tốc độ trung bình 1,3% trong 4 năm từ 2017 đến 2020.

Công ty Nissin, nhà sản xuất mì ăn liền đầu tiên trên thế giới, nắm 44% thị phần thị trường Nhật Bản. Sản phẩm chủ lực của Nissin là mì cốc, được giới thiệu lần đầu vào năm 1971 và nhanh chóng trở thành sản phẩm mì ăn liền bán chạy nhất ở đây.

Xếp sau là Toyo Suisan và Sanyo Foods, với thị phần lần lượt là 25% và 15%. Acecook, nhà sản xuất mì gói số một tại Việt Nam, đứng thứ 4 ở thị trường nội địa với thị phần 9%.

1 bình luận
    Bình luận của bạn