VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ả Rập Xê Út giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 7

Ả Rập Xê Út giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 7

11:23 - 05/06/2023

Ả Rập Xê Út thông báo giảm tự nguyện sau cuộc họp căng thẳng của nhóm OPEC+, nơi các thành viên đạt thỏa thuận giữ nguyên mục tiêu sản lượng cho đến hết năm nay và giảm thêm 1.4 triệu thùng/ngày vào năm sau.

Ngày 4/6, Ả Rập Xê Út cho biết sẽ giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày như một phần của thỏa thuận giữa Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+. Thông báo được đưa ra sau một trong những cuộc họp căng thẳng nhất gần đây, khi các thành viên của nhóm bất đồng về hạn ngạch sản lượng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng thế giới chậm lại.

Ả Rập Xê Út nói rằng việc giảm sản lượng sẽ thực hiện vào tháng 7 và bổ sung vào những lần giảm đã công bố trước đó – được gia hạn cho đến cuối năm 2024. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và một số nhà sản xuất lớn khác cũng gia hạn những lần giảm công bố trước.

Thông báo của Ả Rập Xê Út được đưa ra ngay sau khi OPEC+ cho biết tổ chức này đồng ý giữ nguyên mục tiêu sản lượng hiện tại cho đến cuối năm nay. Mỗi thành viên của nhóm được phân bổ một hạn ngạch sản xuất, nhưng đôi khi họ không đạt đến mức đó.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đến dự cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+ ở Vienna.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đến dự cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+ ở Vienna.

Trước cuộc họp ngày 4/6, các đại biểu cho biết đã thảo luận về khả năng giảm đến 1 triệu thùng/ngày. Nhóm 23 thành viên này chiếm gần một nửa sản lượng dầu của thế giới. Việc giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu năng lượng.

Quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng của nhóm được đưa ra sau cuộc tranh cải nảy lửa trên bàn họp ở Vienna, các đại biểu cho biết. Ả Rập Xê Út đang thúc đẩy một số thành viên giảm sản lượng, nhưng vấp phải sự phản kháng gay gắt, đặc biệt từ một số nước châu Phi.

Thông thường, những cuộc họp của OPEC+ chỉ để chính thức thông qua kế hoạch sản xuất đã được các bên chấp nhận từ trước. Nhưng lần này, căng thẳng lên cao trong nhóm. Các thành viên cuối cùng chấp nhận giữ nguyên mục tiêu sản lượng trước đó, được thúc đẩy bởi quyết định tự nguyện giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út.

Quyết định giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út từ tháng 7 có thể giúp tăng giá dầu trong ngắn hạn, nhưng các nhà phân tích dự đoán xu hướng chung vẫn là giảm. Dầu thô Brent (chuẩn quốc tế) giảm khoảng 20% kể từ khi OPEC+ lần đầu giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2022. Hồi tháng 4, một số thành viên lớn nhất của nhóm – bao gồm Ả Rập Xê Út và Nga – giảm thêm 1,6 triệu thùng/ngày.

Cuộc họp hôm qua diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ả Rập Xê Út và Nga về những đợt giảm sản lượng trước đó. Nga đang bơm một lượng lớn dầu thô giá rẻ ra thị trường, làm suy yếu nỗ lực tăng giá của Ả Rập Xê Út. Các đại biểu cho biết Nga ủng hộ kế hoạch cuối cùng của OPEC+ duy trì sản lượng hiện tại.

Dữ liệu mới nhất hiện có cho thấy Nga tiếp tục bơm một lượng lớn dầu ra thị trường. Điều này giúp củng cố nền kinh tế đang khó khăn của nước này nhưng làm tăng thêm dư cung toàn cầu.

Các quan chức trong ngành và nhà phân tích cho biết những nỗ lực liên tục của Ả Rập Xê Út nhằm đẩy giá cho thấy nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới có thể đang đánh giá thấp lo ngại về nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Theo các đại biểu OPEC, quyết định sản lượng của liên minh ngày càng phụ thuộc nhiều vào Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, thường không tham khảo những thành viên khác trong nhóm.

Ngày 3/6, theo các nguồn tin quen thuộc với vấn đề, ông Abdulaziz gọi một số đại biểu châu Phi đến phòng khách sạn của mình ở Vienna và nói rằng sẽ giảm hạn ngạch sản xuất của họ. Họ bước ra khỏi cuộc họp mà không có thỏa thuận. Nhưng trong một nỗ lực cuối cùng, các đại biểu Kuwait và Algeria thuyết phục được Angola ủng hộ một hạn ngạch đã điều chỉnh.

Các nước châu Phi như Nigeria và Angola thường khó đạt được hạn ngạch sản xuất hiện tại của mình vì nhiều lý do, bao gồm những vấn đề chưa được giải quyết từ đại dịch và nhiều năm thiếu đầu tư.

Các đại biểu cho biết thỏa thuận ngày 5/6 được đưa ra sau cuộc đối đầu giữa Ả Rập Saudi và Angola. OPEC+ công bố điều chỉnh mục tiêu sản lượng giảm 1,4 triệu thùng/ngày vào năm sau. Nga cùng với Nigeria, Angola và Congo chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng giảm đó, trong khi UAE được phân bổ hạn ngạch cao hơn.