VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và 2024

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và 2024

17:16 - 20/07/2023

Dự báo mới nhất của ADB cho tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,8% năm 2023 và 6,2% năm 2024, lần lượt giảm 0,7 và 0,6 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay và năm sau cho Việt Nam, trong bối cảnh GDP đất nước nửa đầu năm 2023 tăng trưởng với tốc độ chậm.

6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam mở rộng 3,72%, theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh xuất khẩu yếu vì nhu cầu thấp ở các thị trường lớn. Đây là tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm thấp thứ hai từ 2011 đến nay, chỉ cao hơn năm 2020 – thời điểm giãn cách xã hội cả nước vì Covid-19.

Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 8,02% và mục tiêu tăng trưởng năm nay mà Chính phủ đặt ra là 6,5%. Tốc độ tăng trưởng trung bình các năm trước đại dịch là khoảng 5,7%.

Hồi tháng 4, ADB từng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, tăng nhẹ so với dự báo 6,3% đưa ra hồi cuối năm ngoái. Nhưng trong bản cấp nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố tuần này, ADB ước tính GDP của nước ta năm nay chỉ tăng trưởng 5,8%.

Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam xuống 6,2%, từ mức 6,8% hồi tháng 4.

ADB trở thành tổ chức mới nhất hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam, theo sau Standard Chartered, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), UOB và một số tổ chức khác.

Dự báo chung cho các nước châu Á đang phát triển, ADB giữ nguyên kỳ vọng năm 2023 ở mức 4,8%, nhưng hạ kỳ vọng cho năm 2024 từ 4,8% xuống 4,7%, phản ánh triển vọng toàn cầu “bị lu mờ bởi tác động chậm của việc tăng lãi suất”.

“Xuất khẩu từ châu Á đang phát triển suy yếu trong quý đầu của năm 2023 khi nhu cầu toàn cầu chậm lại”, ADB cho biết. “Tuy nhiên, tiêu dùng và đầu tư được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực”.

Theo định nghĩa của ADB, châu Á đang phát triển bao gồm 46 nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Lạm phát chung của khu vực được dự báo ở mức vừa phải 3,6% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 4,2% trong dự báo trước đó. Giá cả năm sau được dự đoán sẽ tăng 3,4%. “Lạm phát toàn phần đã giảm xuống mức trung bình trước đại dịch khi áp lực từ phía cung giảm dần và việc thắt chặt tiền tệ gây tác động”, ADB cho biết.

ADB cho biết hầu hết các ngân hàng trung ương đã giữ lãi suất chính sách ổn định trong năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng “đã xuất hiện các dấu hiệu chuyển hướng sang nới lỏng”.

Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trong khu vực chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ, với 4 đợt giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất khu vực – được dự đoán tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,5% trong năm tới, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4.

“Tăng trưởng trong đầu tư sản xuất dự kiến ở mức vừa phải với xuất khẩu hạ nhiệt, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể duy trì ổn định”, ADB nói về triển vọng của Trung Quốc. “Các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy nhu cầu trong nước”.

Dự báo tăng trưởng của Ấn Độ – nền kinh tế lớn thứ hai khu vực – giữ nguyên ở mức 6,4% cho năm nay và 6,7% cho năm tới, ” hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước lạc quan”.

Dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 4,7% cho năm nay và 5,0% cho 2024 trong bối cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu yếu hơn trên toàn cầu.