VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Alibaba rót 400 triệu USD vào công ty sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart

Alibaba rót 400 triệu USD vào công ty sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart

16:11 - 18/05/2021

Alibaba và Baring Private Equity Asia vừa tuyên bố sẽ mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. 

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+).

Sau giao dịch này, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada (thuộc sở hữu Alibaba). Hợp tác chiến lược này giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một nền tảng “tất cả trong một” phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.

VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada

Mặt khác, Alibaba đang tìm cách tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á, nơi có dân số hơn 650 triệu người khi cạnh tranh và giám sát tại Trung Quốc ngày một căng thẳng. Báo cáo của Bain & Co, Google và Temasek chỉ ra nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, với số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, Alibaba và các nhà đầu tư đã đặt chân vào chuỗi bán lẻ có hệ thống cửa hàng lớn nhất Việt Nam, đồng thời sở hữu kênh thương mại điện tử top 3 trong nước.

Sự kết hợp giữa Lazada và Vincommerce giúp một bên không phải xây dựng nền tảng online, bên kia có nguồn hàng đa dạng rộng khắp. VinCommerce sẽ cung cấp hàng hóa cho sàn thương mại điện tử Lazada tại Việt Nam, biến các cửa hàng bán lẻ thành điểm nhận hàng đặt qua mạng. Hàng tạp hóa chiếm khoảng một nửa thị trường bán lẻ trong nước và 1/4 chi tiêu tiêu dùng song tỉ lệ lên mạng còn khá thấp.

Ông Danny Le, CEO Masan Group, cho biết ưu tiên trước mắt của tập đoàn là hiện đại hóa thị trường tạp hóa Việt Nam, phát triển xu hướng tiêu dùng chưa từng có, từ phân loại tới trải nghiệm mua sắm. The Crownx X đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa trực tuyến chiếm tối thiểu 5% tổng doanh số trong các năm tới.