VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Bất động sản khu công nghiệp: Lợi thế và thách thức

Bất động sản khu công nghiệp: Lợi thế và thách thức

17:27 - 06/07/2023

Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn đối với các doanh nghiệp FDI lớn. Các phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và Mỹ, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đã lần lượt “đổ bộ” vào Việt Nam để tìm địa bàn chiến lược vào quý 2.

Mặc dù được nhận định 2023 sẽ là năm gặp nhiều khó khăn do tình hình chung của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên, bằng những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI cũng như cải thiện môi trường đầu tư, phản ứng chính sách của Chính phủ vẫn đang giữ được niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ.

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, có 1.293 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn.

Có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 29,8% so cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD (giảm 57,1%).

Trong nửa đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 1.594 giao dịch góp vốn mua cổ phần (giảm 6,6%), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,01 tỷ USD (tăng 76,8%).

Sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong nửa đầu 2023 tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ, đạt khoảng 10,02 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, điều này cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Tổng vốn đầu tư đăng ký tuy vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã thấp hơn so với các tháng trước. Tính theo tháng về vốn đầu tư thì các tháng gần đây có xu hướng tăng lên.

Nhóm các doanh nghiệp Bất động sản Khu công nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ các dự án phát triển FDI.

Ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ với tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu lượng vốn FDI chảy vào nhiều, nhu cầu bất động sản KCN chắc chắn sẽ tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/5/2023, có 962 dự án vốn FDI đăng ký cấp mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỉ đô la Mỹ, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký.

Thị trường khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi các dự án đầu tư công được hoàn thiện giúp thúc đẩy tính liên kết bền vững giữa các vùng. Theo đó, cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào các tỉnh thành, nhu cầu thuê đất KCN sẽ tăng theo.

Với lợi thế giá nhân công cạnh tranh sẽ còn được duy trì trong thời gian dài nhờ cơ cấu dân số vàng được dự phóng sẽ kéo dài đến ít nhất 2040. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý đứng thứ tư sau Indonesia, Ấn độ, Philippines.

Nhu cầu thuê mảng nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng, giá thuê ổn định trong khi nguồn cung nhà kho cũng tăng dồi dào. Nhu cầu lưu kho hàng hóa tăng khi TMĐT bùng nổ đã khiến nhu thuê nhà xưởng xây sẵn, kho bãi tăng cao tại khu vực có vị trí gần sân bay, cảng biển. Tỷ lệ lấp đầy trung bình từ 80 – 90%. Giá thuê trung bình 4-5 USD/m2 GFA, tăng nhẹ từ 3% svck do nguồn cung mới đi vào hoạt động. Nguồn cung NXXS, nhà kho tăng 50% svck ở cả 2 khu vực miền Bắc và miền Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thuê ngày càng gia tăng.

Mặc dù tiềm năng là khá lớn song một vài thách thức đang dần xuất hiện với ngành bất động sản KCN. Điển hình nhất là sự thiếu hụt về nguồn cung mới do quá trình phê duyệt bị hoãn vì các thủ tục pháp lý. Việc thay đổi lãnh đạo cấp cao của nhiều địa phương trong năm qua đã làm chậm quy trình phê duyệt của nhiều dự án. Điều này gây ra tình trạng giải phóng mặt bằng chậm hơn dự kiến và chồng chéo về quy hoạch hoặc hạ tầng bên ngoài KCN.

Dòng vốn FDI khả năng vẫn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang dần suy thoái, nhu cầu đầu tư dấu hiệu chững lại ở các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là nơi tiềm năng thu hút vốn FDI hàng đầu tại các khu vực APAC nhờ tình hình kinh tế chính trị ổn định. GDP Việt Nam 2023 được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng ở top đầu trong số các quốc gia trong khu vực. Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc vẫn đang diễn ra và Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn trước biến động kinh tế – chính trị toàn cầu. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan.

Ngành BĐS KCN đang gặp nhiều thách thức, điển hình là sự thiếu hụt về nguồn cung mới do quá trình phê duyệt bị hoãn vì các thủ tục pháp lý

Cuối tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong giai đoạn mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Cơ quan quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ như hoàn thiện các quy định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết.

Ngoài ra, còn nhiều nghị định, quyết định khác được đưa ra trong giai đoạn vừa qua như: quyết định xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tiêu chí chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang làm dự án; nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có thể sẽ tác động tích cực giúp doanh nghiệp có thể giãn, hoãn nợ và gỡ vướng mắc về pháp lý.

Nghị quyết 39/2021/QH15 được thông qua về Quy hoạch đất quốc gia với lộ trình phân bổ tăng quỹ đất KCN từ 90,83 ha vào năm 2020 lên 210,93 ha (+120%) vào năm 2030 kỳ vọng cũng thúc đẩy nguồn cung trong dài hạn.