VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Biểu tình phản đối “zero Covid” lan rộng ở Trung Quốc

Biểu tình phản đối “zero Covid” lan rộng ở Trung Quốc

10:11 - 28/11/2022

Những cuộc biểu tình nổ ra ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn khác, thể hiện sự bất bình ngày càng lớn với cách tiếp cận zero Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các cuộc biểu tình nổ ra ở những thành phố lớn của Trung Quốc để phản đối cách tiếp cận không khoan nhượng của chính quyền đối với Covid-19, trong bối cảnh cái giá về kinh tế và xã hội do phong tỏa và những hạn chế nghiêm ngặt khác ngày càng lớn.

Những cuộc biểu tình diễn ra suốt cuối tuần ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo lời kể của các nhân chứng, cũng có biểu tình ở Nam Kinh và Vũ Hán – tâm điểm ban đầu của đại dịch. Các đoạn video và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy biểu tình đã nổ ra ở một số thành phố khác, bao gồm Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên.

Những cuộc biểu tình trên diễn ra sau cuộc biểu tình vào thứ Sáu tại Urumqi – thủ phủ của vùng Tân Cương – nơi xảy ra một vụ hỏa hoạn làm chết 10 người khiến cư dân phẫn nộ. Trên mạng xã hội, nhiều bình luận cho rằng các hạn chế Covid góp phần khiến việc dập lửa bị chậm trễ.

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Urumqui, thủ phủ của vùng Tân Cương, sau khi xảy ra một vụ cháy chết người tại đây.

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Urumqui, thủ phủ của vùng Tân Cương, sau khi xảy ra một vụ cháy chết người tại đây.

Việc biểu tình phản đối chính sách của chính phủ ở Trung Quốc là rất hiếm. Và biểu tình về cùng một vấn đề nổ ra ở nhiều thành phố là điều gần như không bao giờ xảy ra, ngoại trừ các làn sóng dân tộc chủ nghĩa, chẳng hạn như biểu tình chống Nhật Bản. Kể từ cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Đảng Cộng sản cho phép một số cuộc biểu tình ở địa phương nhưng ưu tiên ngăn chặn biểu tình trên toàn quốc.

Dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn dân sự sau vụ hỏa hoạn chết người ở Urumqi lan rộng ra ngoài Tân Cương trở nên rõ ràng vào thứ Bảy, khi các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đám đông tụ tập trên một con phố ở trung tâm Thượng Hải kêu gọi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Một đoạn clip cho thấy những người biểu tình đứng xung quanh một tấm biển ghi Đường Trung lộ Wulumuqi, được đặt theo tên của Urumqi. Theo các nhân chứng, cuộc biểu tình bắt đầu như một lễ tưởng niệm tự phát cho những người thiệt mạng ở Urumqi, với người tham gia mang theo hoa và nến.

Sự giận dữ tăng lên sau đó. Một số người biểu tình bắt đầu phản đối cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chiến lược kiểm soát Covid của ông. Một đoạn clip khác từ hiện trường cho thấy những người biểu tình đứng đối diện với hàng dài cảnh sát.

Các video và hình ảnh khác lan truyền trên mạng cho thấy sinh viên biểu tình tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Nam Kinh.

Trong khuôn viên của Đại học Bắc Kinh, một trong những trường danh tiếng nhất của đất nước, các sinh viên viết những khẩu hiệu phản đối Covid bằng sơn đỏ và khoảng 200 người sau đó tụ tập để hát “Quốc tế ca”, theo một người tham gia.

Người biểu tình ở Thượng Hải cầm tờ giấy trắng – ám chỉ đến những biện pháp kiểm duyệt của chính quyền.

Người biểu tình ở Thượng Hải cầm tờ giấy trắng – ám chỉ đến những biện pháp kiểm duyệt của chính quyền.

Biểu tình tiếp tục vào Chủ nhật, với sinh viên tụ tập vào buổi trưa trong khuôn viên của Đại học Thanh Hoa – một trường ưu tú khác ở Bắc Kinh. Một số người trong đám đông mang theo tờ giấy trắng hoặc có dấu chấm than bên trong vòng tròn màu đỏ – biểu tượng cho biết một bài đăng trực tuyến đã bị xóa – ám chỉ đến kiểm duyệt.

Sau vụ cháy tuần trước, giới chức Urumqi cho biết lực lượng cứu hộ phải dỡ bỏ một số rào chắn nhưng cho rằng việc dập lửa chậm trễ là do có quá nhiều ô tô đậu trong khu nhà. Vào thứ Bảy, họ cho biết các hoạt động bình thường sẽ dần trở lại ở các khu vực của thành phố được coi là có nguy cơ nhiễm Covid thấp.

Các cuộc biểu tình cho thấy thiệt hại ngày càng tăng đối với xã hội Trung Quốc do chiến lược zero Covid được xây dựng xung quanh xét nghiệm hàng loạt và cách ly nghiêm ngặt để dập tắt những đợt bùng phát nhỏ. Chiến lược này từng tỏ ra hiệu quả khi đại dịch bắt đầu ở Vũ Hán vào đầu năm 2020, củng cố quan điểm của ông Tập rằng Trung Quốc kiểm soát virus tốt hơn phương Tây.

Tuy nhiên, kể từ đó, các chủng Covid-19 dễ lây lan hơn khiến cho việc loại bỏ hoàn toàn virus trở nên khó khăn. Tình trạng phong tỏa thường xuyên khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và đẩy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên gia tăng, với việc Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại nhiều nhất trong nhiều thập kỷ.

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cảnh giác với rủi ro cao, hồi đầu tháng này, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiết lộ kế hoạch “tối ưu hóa và điều chỉnh” chính sách để giải cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, các quan chức địa phương trên cả nước áp đặt lại các hạn chế khi số ca nhiễm bắt đầu gia tăng gần đây.

Yanzhong Huang – một chuyên gia y tế công cộng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở New York – cho biết: “Rất nhiều người đang đạt đến điểm giới hạn”.

Trung Quốc ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm Covid-19 mới vào thứ Bảy, trong đó có 4.307 ca ở Bắc Kinh, theo thống kê chính thức mới nhất.

Ông Huang và một số nhà phân tích khác so sánh làn sóng biểu tình liên quan đến Covid với tâm lý của công chúng xung quanh cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989. “Nếu chính phủ xử lý sai, tình hình rất bất ổn có thể nhanh chóng phát triển thành cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Thiên An Môn”, ông Huang cho biết.

Các video được tải lên vào Chủ nhật trên mạng xã hội Trung Quốc – với thẻ định vị địa lý thể hiện rằng chúng được quay ở Vũ Hán – cho thấy người dân đập phá rào chắn đường được thiết lập trong đại dịch, trong khi những người khác hét lên “hãy dỡ bỏ hạn chế!”