VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Bộ trưởng Công Thương: Chứng khoán làm doanh nghiệp xăng dầu vơi nguồn tiền nhập hàng

Bộ trưởng Công Thương: Chứng khoán làm doanh nghiệp xăng dầu vơi nguồn tiền nhập hàng

15:22 - 23/10/2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng một số doanh nghiệp xăng dầu thiếu nguồn tiền nhập hàng vì đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng Việt Nam không thiếu xăng dầu và việc đầu tư chứng khoán, bất động sản làm vơi đi nguồn tiền nhập hàng của các doanh nghiệp xăng dầu.

Phát biểu tại phiên họp tổ ngày 22/10 về tình hình kinh tế – xã hội, ông Diên cho biết thời gian qua, “cơn lốc” chứng khoán đã có tác động nhất định đến các doanh nghiệp xăng dầu. Những doanh nghiệp này đều ít nhiều tham gia vào bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị giảm sút. Vì vậy, khi đến kỳ nhập hàng, giá nhập lên cao, giá bán ra lại thấp thì doanh nghiệp không có nguồn tiền nhập.

Ngoài ra, hạn mức tín dụng cũng ảnh hưởng đến nguồn tiền nhập hàng của các doanh nghiệp, vì không được nâng lên kể cả khi giá xăng dầu đã tăng mạnh. “Hạn mức này quy định từ trước khi giá xăng dầu trước chỉ 50-60 USD/thùng, nhưng giá hiện giờ tăng 2 lần, nhưng hạn mức tín dụng có hạn nên những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, không làm ngoài ngành cũng không có tiền để nhập hàng”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu.

Ông Diên cũng đưa ra số liệu cụ thể về tình hình nguồn cung xăng dầu, cho thấy đủ đảm bảo nhu cầu trong nước. Cụ thể, tính đến ngày 30/9, lượng xăng dầu dự trữ thương mại đạt hơn 2,55 triệu m3. Năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong nước trong tháng 10 là 1,7-1,75 triệu m3, đảm bảo 80% nguồn cung trong nước.

Theo ông, vấn đề không phải là thiếu nguồn cung, mà là doanh nghiệp phải mua giá cao. “Nhập giá cao ở kỳ trước, bán trong kỳ tới giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm”, ông nói.

Ngoài ra, hàng loạt chi phí gồm lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng, từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi chưa được điều chỉnh hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ở miền Nam, một nguyên khác gây ra tình trạng thiếu xăng dầu là do trước đây, các doanh nghiệp phân phối có nhiều nguồn hàng, cùng lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng ký rồi lại không mua hàng trong thời gian dài, nên doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.

“Doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex không thiếu hàng, nhưng họ phải đảm bảo trong hệ thống và cho thương nhân phân phối mua, có hợp đồng thường xuyên. Doanh nghiệp nào sai thì sẽ kiên quyết xử lý, xử lý theo luật. Nghị định 95 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực, nhưng vừa qua đã bộc lộ nhiều khuyến khuyết, và sẽ nghiên cứu sửa đổi”, ông nói.

Theo ông Diên, nếu doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép kinh doanh, nguồn cung của các cửa hàng, đại lý bán lẻ sẽ bị cắt. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ phạt tiền đối với các doanh nghiệp đầu mối nếu vi phạm lần thứ nhất và thứ hai, đến lần thứ 3 mới thu hồi giấy phép.