VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “tiếc nuối” khi Intel hủy kế hoạch mở rộng ở Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “tiếc nuối” khi Intel hủy kế hoạch mở rộng ở Việt Nam

12:14 - 09/11/2023

Nói về vấn đề nguồn cung điện – được cho là một lý do khiến Intel quyết định không mở rộng ở Việt Nam – Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cam kết đảm bảo đủ nguồn điện cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ông cảm thấy tiếc nuối về việc đại gia chip Intel hủy kế hoạch mở rộng hoạt động của mình ở Việt Nam, đồng thời cam kết đảm bảo đủ nguồn điện cho các doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng ngày 8/11, ông Dũng nói: “Bản thân cảm thấy tiếc nuối nếu thông tin trên là đúng, nhưng đó cũng là quyền lựa chọn của doanh nghiệp”.

Intel vận hành nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất trên toàn cầu của mình tại TP HCM.

Intel vận hành nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất trên toàn cầu của mình tại TP HCM.

Ngày 7/11, Reuters đưa tin rằng hãng chip Mỹ – một trong những công ty chip lớn nhất thế giới – hủy một kế hoạch đầu tư mới được cho là trị giá 1 tỷ USD vào Việt Nam. Một nguồn tin của Reuters cho biết quyết định này đến từ việc Intel lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và tình trạng quan liệu quá mức.

Nhận xét về những lý do trên, ông Dũng nói: “Vấn đề thiếu hụt điện chỉ xảy ra cục bộ trong thời gian ngắn. Chính phủ đã cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp trong mọi thời điểm”.

Ngoài ra, Bộ trưởng còn cho rằng có những nguyên nhân khác “như địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Công ty vận hành nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất trên toàn cầu của minh tại TP HCM.

Trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về việc hủy kế hoạch mở rộng, Intel cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi khi nhu cầu về chất bán dẫn tăng lên”.

Việc Intel đổi ý là một đòn giáng vào tham vọng ngày càng cao của Việt Nam để đóng vai trò lớn hơn trong ngành bán dẫn toàn cầu. Tháng 9, trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các thỏa thuận hỗ trợ ngành chip Việt Nam. Gần đây, Chính phủ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất chip, hy vọng thu hút những công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Quyết định của Intel được cho là đưa ra vào khoảng tháng 7, trước chuyến thăm của ông Biden – thời điểm công bố những sáng kiến và khoản đầu tư mới của các công ty chip Mỹ bao gồm Amkor, Synopsys và Marvell.

Trong bối cảnh rủi ro chính trị và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan, Việt Nam ngày càng được nhiều người xem là một sự lựa chọn an toàn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ.

Tháng 6 năm nay, Intel công bố các khoản đầu tư lớn vào châu Âu và Israel. Công ty này cũng đang mở rộng đầu tư vào mảng đóng gói chip tại Malaysia.

Intel và các công ty đa quốc gia khác đang thúc đẩy Chính phủ tung ra những ưu đãi trị giá hàng triệu USD để bù đắp cho chi phí thuế sắp tăng lên vì quy định thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.