VNReport»Kinh tế»Nền tảng kinh tế Việt Nam còn nguyên vẹn

Nền tảng kinh tế Việt Nam còn nguyên vẹn

15:12 - 22/07/2021

Theo các nhà kinh tế của Bank of America (BoA), các nền tảng của kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng do đợt bùng phát dịch mới. Nhưng tốc độ tiêm chủng chậm chạp gây rủi ro về triển vọng ngắn hạn.

Theo báo cáo của ngân hàng Bank of America (BoA), các động lực tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong bối cảnh đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất của đất nước cho đến nay. Tuy nhiên, báo cáo này cho rằng tốc độ tiêm chủng chậm là nguồn rủi ro chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Các nhà kinh tế của BoA dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng từ 7 đến 8% trong 3 năm tới, mức cao nhất trong khu vực châu Á.

Các chuyên gia của BoA nhắc lại, vào năm 2019, họ đã viết rằng sự kết hợp của các khoản đầu tư bền vững dẫn dắt bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu nhập khả dụng tăng từ quá trình đô thị hóa và tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.

“Chúng tôi xem xét lại luận điểm của mình trong báo cáo này và cảm thấy chắc chắn hơn rằng cú sốc Covid-19 – mặc dù tiếp tục gây ra một mức độ không chắc chắn lớn cho triển vọng ngắn hạn – không có khả năng thay đổi nhiều triển vọng trung hạn”, báo cáo cho biết.

FDI toàn cầu đã giảm 34% vào năm ngoái trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hứng chịu cú sốc do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang thể hiện khả năng chống đỡ “xuất sắc”, với FDI chỉ giảm 2% so với “mức đã cao” vào năm 2019.

Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy cao của Việt Nam, với tín dụng ở mức 146% GDP, vẫn là nguồn rủi ro trung hạn chính đối với sự ổn định kinh tế và tài chính, các nhà kinh tế lưu ý.

“Trong khi nền kinh tế và hệ thống tài chính do nhà nước quản lý của Việt Nam có thể có khả năng giảm thiểu rủi ro hệ thống tốt hơn, chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng sự chênh lệch lớn về tăng trưởng tín dụng so với các yếu tố cơ bản đã từng dẫn đến khủng hoảng ngân hàng ở các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á [năm 1997]”, các chuyên gia cảnh báo.

Đồng thời, không nên bỏ qua những rủi ro ngắn hạn. Tốc độ tiêm chủng chậm chạp của Việt Nam có thể trở thành nguồn nguy cơ chính dẫn đến sự suy giảm vào năm 2022. Cho đến nay, chỉ có khoảng 3,8% dân số Việt Nam được tiêm chủng, trong đó hầu hết chỉ được tiêm một mũi.

Đợt tiêm chủng đầu tiên của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vaccine hỗ trợ. Nhưng chính phủ vào ngày 15/7 đã công bố việc đảm bảo 20 triệu mũi tiêm bổ sung do Pfizer-BioNTech sản xuất. Các nhà chức trách hy vọng sẽ thực hiện từ 300.000 đến 500.000 mũi tiêm mỗi ngày trong nửa cuối năm và tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số vào cuối tháng 4/2022.

Điều này có nghĩa là tác động của Covid-19 có thể kéo dài cho đến khi làn sóng hiện tại trùng xuống. Nhưng sự không chắc chắn có thể vẫn ở mức cao trước khi đất nước đạt được mục tiêu 70%, các nhà kinh tế của BoA cho biết.

“Trong khi tiềm năng tăng trưởng trung hạn vẫn còn nguyên, chúng tôi nhận thấy rủi ro trong ngắn hạn tăng lên và làn sóng Covid lẻ tẻ có thể dễ dàng cắt đứt động lực nhu cầu trong nước trong nửa cuối năm”, báo cáo viết.