VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Các thỏa thuận tài trợ chuyển đổi năng lượng cho Indonesia và Việt Nam gặp khó

Các thỏa thuận tài trợ chuyển đổi năng lượng cho Indonesia và Việt Nam gặp khó

17:40 - 29/09/2023

Thỏa thuận tài trợ của các nước phát triển để giúp Indonesia chuyển đổi năng lượng xanh bị vướng mắc do bất đồng giữa các bên. Thỏa thuận tương tự dành cho Việt Nam tiến triển chậm.

Tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo G20 ở Bali ca ngợi điều mà họ cho là một thỏa thuận tài trợ mang tính cách mạng về biến đổi khí hậu nhằm giúp Indonesia loại bỏ than đá. Gần một năm sau, chưa có một đồng nào trong gói 20 tỷ USD được chi ra, bị mắc kẹt trong các cuộc thương lượng về cách thực hiện.

Kế hoạch kích hoạt nguồn tài trợ cho thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Indonesia đã qua thời hạn giữa tháng 8. Những vấn đề vẫn đang tranh cãi bao gồm mục tiêu đầu tư, cơ chế đầu tư công hay tư, và quan điểm về lãi suất trả nợ khác biệt giữa Indonesia và các nước tài trợ.

Triển vọng JETP ở các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng còn xa vời. Thỏa thuận ký tháng 12/2022 tài trợ 15,5 tỷ USD cho Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, trong khi thỏa thuận được đề xuất cho Ấn Độ – nước phát thải carbon nhiều thứ ba thế giới – đang ở giai đoạn sơ khai.

Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản – một trong những nước tài trợ cho JETP – cho biết: “Ví dụ, chúng tôi cần tìm hiểu nhu cầu điện trong tương lai của Indonesia để tính toán cần phân bổ bao nhiêu kinh phí để phi carbon hóa ngành điện trong khi vẫn cung cấp đủ năng lượng”.

“Dữ liệu mới dựa trên các giả định khác nhau và từ nhiều nguồn khác nhau xuất hiện vào mọi thời điểm, và các bên có những ý kiến khác nhau về việc nên dùng dữ liệu để đưa ra dự đoán chính xác”, quan chức này cho biết. “Chúng tôi cần thêm thời gian để suy nghĩ kỹ càng”.

Các bên bất đồng về cách xử lý các nhà máy điện than.

Các bên bất đồng về cách xử lý các nhà máy điện than.

Các bên bất đồng về cách xử lý các nhà máy điện than.

Thỏa thuận JETP của Indonesia dự định huy động 20 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới. Để tiếp cận nguồn tài trợ, Indonesia phải thực hiện sớm 10 năm cam kết phát thải carbon ròng bằng 0 (net zero), chuyển từ 2060 về 2050, đạt mức phát thải đỉnh của ngành điện vào năm 2030 – sớm hơn 7 năm so với dự kiến trước đó – và giới hạn lượng khí thải carbon dioxide ở mức 290 triệu tấn vào năm đó, giảm so với 357 triệu tấn.

Trong một tuyên bố ngày 16/8, ban thư ký cho JETP của Indonesia cho biết hạn chót cho kế hoạch được điều chỉnh vì cần tích hợp thêm dữ liệu vào mô hình kỹ thuật. Họ nói kế hoạch mới sẽ được công bố vào cuối năm nay nhưng không cho biết thời gian cụ thể.

Theo Fabby Tumiwa – giám đốc của một tổ chức tư vấn cho kế hoạch – cách xử lý các nhà máy điện than vẫn là một điểm bất đồng khi một nửa nguồn điện hiện tại của Indonesia đến từ than.

Một vấn đề khác là cấu trúc tài chính của thỏa thuận. Kế hoạch ban đầu là sử dụng kết hợp các khoản viện trợ không hoàn lại, cho vay ưu đãi, cho vay lãi suất thị trường, bảo lãnh và đầu tư tư nhân. Khoảng một nửa nguồn vốn đến từ cam kết của khu vực công, phần còn lại là đầu tư tư nhân. Nhưng thách thức là phải cân bằng nhu cầu của nhiều nhà đầu tư khác nhau với những điều kiện vốn mà Indonesia chấp nhận được.

Sự chậm trễ cũng đang xuất hiện trong thỏa thuận JETP của Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, nước ta và một nhóm các nền kinh tế phát triển do Liên minh châu Âu dẫn đầu ký thỏa thuận trong hội nghị ASEAN-EU lần đầu tiên.

Việt Nam không công bố thêm nhiều chi tiết mới kể từ đó, ngoại trừ thành lập một ban thư ký vào tháng 7 – chậm 3 tháng so với kế hoạch.

Mặc dù Việt Nam cam kết tại hội nghị COP 26 năm 2021 dần loại bỏ điện than và đạt net zero vào năm 2050, Quy hoạch điện VIII dự kiến công suất điện than sẽ tăng từ nay đến 2030. Các mục tiêu của JETP bao gồm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có gần một nửa công suất phát điện đến từ nguồn tái tạo vào cùng năm.

Dù các thỏa thuận JETP đã ký tiến triển chậm, EU vẫn muốn ký thêm những thỏa thuận tương tự với các nước khác như Ấn Độ. Nhưng trở ngại với nước này là họ muốn tiếp tục tăng đầu tư vào điện than để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã phản đối đề xuất của Mỹ và Đức rằng họ phải có mốc thời gian loại bỏ than trong cơ cấu năng lượng của mình.

Theo Melissa Cheok, phó giám đốc tại công ty tư vấn Sustainable Fitch, cách cấu trúc thỏa thuận JETP cho Indonesia sẽ định hình những thỏa thuận tương tự cho Ấn Độ và Việt Nam.