VNReport»Kinh tế»Tài chính»Trái phiếu bất động sản bị cảnh báo rủi ro

Trái phiếu bất động sản bị cảnh báo rủi ro

11:15 - 06/10/2021

Với hồi chuông cảnh báo Evergrande, nhiều chuyên gia đang lên tiếng lo ngại về rủi ro các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam không thanh toán nợ trái phiếu.

Trong 2 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam nóng lên. Nhiều công ty bất động sản lớn chuyển cơ cấu vốn vay từ ngân hàng sang trái phiếu, nhằm đầu tư vào các thương vụ M&A, cơ cấu/đảo nợ…

Theo số liệu từ SSI Research, nửa đầu năm 2021, lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất tiếp tục là bất động sản (92.300 tỷ đồng, chiếm 44,2% tổng giá trị phát hành).

Trong khi trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại phát hành có lãi suất 3-4,2%/năm, thì con số này ở nhóm bất động sản là 8-12%/năm, với các nhà phát hành như Sovico, BCG Land, Vinaconex, Kinh Bắc…

Về cơ cấu người mua, trong nửa đầu năm, các ngân hàng và công ty chứng khoán đã mua hơn 37.300 tỷ đồng trái phiếu bất động sản (chiếm 40,4%), theo SSI Research. Dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng các nhà đầu tư cá nhân cũng bỏ ra hơn 3.300 tỷ đồng để ôm trái phiếu bất động sản.

Với diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ ở Evergrande, tập đoàn bất động sản hàng đầu của Trung Quốc, đang có những lo lắng về tình hình trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam.

TS Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng, cũng giống như Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phát hành trái phiếu “3 không” (Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không có đơn vị bảo lãnh phát hành), mập mờ về mục đích nguồn vốn, tài sản để trả nợ.

Trên thực tế, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng nhưng Việt Nam hiện chỉ có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm là Saigon PhatThinh Ratings và FiinRatings. ” Thị trường Việt Nam không chặt chẽ như các thị trường ASEAN khác, nơi yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu phát hành ra công chúng và thường là cả các đợt phát hành riêng lẻ trong những năm hình thành trái phiếu”, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định.

Bên cạnh đó, trong tổng số hơn 92.200 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành nửa đầu năm, có 29.000 tỷ đồng (31%) được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. “Việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng”, SSI Research viết.

Theo quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020, doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phát hành trái phiếu "3 không".

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phát hành trái phiếu “3 không”.

Trước hồi chuông báo động của Evergrande, TS Lê Đạt Chí cho rằng cần bàn tới những rủi ro cho doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.

Cũng giống như Trung Quốc, tại Việt Nam, “chỉ số giá nhà/thu nhập tăng liên tục. Không ít công ty bất động sản “thổi giá”, “vẽ” dự án, huy động vốn từ nhà đầu tư giao hàng trong tương lai, dự án không triển khai hoặc chậm nhưng vẫn nhảy đi mua dự án khác”, theo TS Chí.

Tiếp đến, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro khi tỷ lệ nợ vay cao bất thường. “Khi dòng vốn đổ vào nền kinh tế bị lệch lạc, tỉ lệ nợ cao, Chính phủ sẽ kiểm soát, dự án không bán được, nợ đến hạn nhưng không có dòng tiền quay về để trả, “đứt bóng”, Evergrande xuất hiện”, TS Chí nói thêm.

“Khi doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu đều bị vạ lây”.

Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) mới đây cảnh báo: Đối với những doanh nghiệp có nền tài chính yếu, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao thì bản thân tổ chức phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, sẽ không trả được gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.