VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Châu Âu cấm bảo hiểm tàu chở dầu của Nga

Châu Âu cấm bảo hiểm tàu chở dầu của Nga

10:42 - 01/06/2022

Các thương nhân và chủ tàu cho biết lệnh cấm bảo hiểm tàu chở dầu Nga của EU có tác động lớn hơn lệnh cấm nhập khẩu, vì nó ảnh hưởng đến khả năng bán dầu của Moscow trên toàn thế giới.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của mình đối với Nga, cấm nhập khẩu dầu của nước này và chặn các công ty trong khối bảo hiểm những chuyến tàu chở dầu – tìm cách đánh vào nguồn tiền Moscow dùng để tài trợ cho cuộc chiến với Ukraine và duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Trong khi lệnh cấm nhập khẩu dầu chỉ liên quan đến những chuyến tàu đến châu Âu, lệnh cấm bảo hiểm ảnh hưởng đến tất cả các tàu chở dầu của Nga trên khắp thế giới. Biện pháp trừng phạt này có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc bán dầu ở châu Á, vì phần lớn hoạt động thương mại dầu mỏ của thế giới được bảo hiểm bởi các công ty châu Âu.

Các thương nhân và chủ tàu cho biết lệnh cấm bảo hiểm – sẽ được thực hiện trong 6 tháng để xoa dịu những lo ngại của các quốc gia vận tải biển bao gồm Hy Lạp và Síp – là biện pháp trừng phạt nặng nề hơn. Rất ít công ty sẵn sàng vận chuyển dầu trên những tàu chở dầu không có bảo hiểm. Lệnh cấm như vậy đã ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu của Iran như một phần trong nỗ lực buộc Tehran đàm phán về chương trình hạt nhân cách đây một thập kỷ.

Phần lớn bảo hiểm cho tàu chở dầu được cung cấp bởi các doanh nghiệp châu Âu.

Phần lớn bảo hiểm cho tàu chở dầu được cung cấp bởi các doanh nghiệp châu Âu.

Có 2 loại bảo hiểm đối với tàu chở dầu. Một loại là bảo hiểm thân tàu và máy móc, dành cho những thiệt hại vật chất đối với tàu, thường được mua ở thị trường Lloyd’s của London.

Loại còn lại là bảo vệ và bồi thường, liên quan đến trách nhiệm pháp lý với bên thứ 3. Nhóm Câu lạc bộ P&I Quốc tế, với các câu lạc bộ thành viên ở Na Uy, Anh, EU và những nơi khác, cung cấp loại bảo hiểm này cho khoảng 95% đội tàu chở dầu toàn cầu thế giới (tính theo trọng tải). Các quan chức của nhóm này cho biết họ sẽ ngừng bảo hiểm cho tàu chở dầu của Nga nếu bị EU cấm.

Từ thời Chiến tranh Lạnh, Moscow đã dành nhiều thập kỷ xây dựng cơ sở hạ tầng và quan hệ thương mại để cho phép các công ty dầu của mình bán nhiên liệu cho châu Âu.

Lệnh cấm bảo hiểm khiến giá dầu có nhiều khả năng sẽ giữ ở mức cao hoặc tăng cao hơn vì nó làm cho Nga khó bán dầu sang châu Á hơn.

Lệnh cấm của EU làm tăng thêm những thách thức đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, vốn đã bị một số thương nhân lớn xa lánh và khiến họ phải bán loại dầu hàng đầu của mình với mức chiết khấu 35 USD/thùng so với giá thế giới.

Ngoài bảo hiểm, các thương nhân phải nỗ lực mới đảm bảo được nguồn vốn ngân hàng và tàu chở dầu để vận chuyển dầu đến những nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nhu cầu trong và ngoài nước giảm khiến các nhà máy lọc dầu của Nga, cũng như một số giếng dầu thô, cắt giảm sản lượng.

Ấn Độ đã mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga trong những tuần gần đây, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều đó không đủ bù đắp cho số thùng dầu mà EU dự định cấm. Các chiến lược gia tại RBC Capital Markets viết trong một lưu ý cho khách hàng: “Theo thời gian, kho dự trữ của Nga sẽ đầy và sản xuất chững lại”.

Giới chức Nga dự báo rằng sản lượng dầu trong năm nay có thể giảm tới 17% vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này đặt ra một vấn đề dài hạn đối với Nga vì phần lớn hạ tầng dầu mỏ của nước này không dễ cắt giảm sản lượng nhanh và rộng. Khí hậu ở Siberia lạnh giá đồng nghĩa với việc các đường ống dẫn có thể bị vỡ nếu không có dầu trong đó và những mỏ năng suất thấp từ thời Liên Xô rất tốn kém để duy trì và khởi động lại. Các nhà phân tích nói rằng phần lớn sản lượng mà Nga đóng hiện nay sẽ bị mất vĩnh viễn.

Về phía châu Âu, việc chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài hàng thập kỷ vào dầu mỏ của Nga đặt ra một thách thức lớn đối với khối này, buộc họ phải tìm các nguồn mới. Điều này có thể làm tăng lạm phát toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu ở các khu vực nghèo hơn sẽ phải cạnh tranh với châu Âu để nhập khẩu dầu. Tỷ lệ lạm phát theo năm của khu vực đồng euro đã tăng lên mức cao mới vào tháng 5 là 8,1%.

Vào năm 2020, 29% lượng dầu thô nhập khẩu của EU đến từ Nga. Thứ hai là Mỹ, cung cấp 9%. Nga cũng là nhà xuất khẩu lớn nhiên liệu tinh chế sang châu Âu, cung cấp 10% nhu cầu dầu diesel của khu vực trong năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.