VNReport»Kinh tế»Chạy nước rút gỡ “thẻ vàng” về hải sản của EU

Chạy nước rút gỡ “thẻ vàng” về hải sản của EU

13:49 - 30/09/2022

Chỉ còn 3 tuần nữa, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, đây là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” trong đánh bắt thủy hải sản.

Tác động tiêu cực từ “thẻ vàng” IUU

Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” từ ngày tháng 10/2017. Theo đó, 4 khuyến nghị của EC đưa ra là: Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Quản lý tàu trên biển một cách chặt chẽ; Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đồng bộ; Thực thi pháp luật, xử lý triệt để.

Trong gần 5 năm qua, ngành thủy sản nước ta đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ tấm “thẻ vàng” này. Báo cáo do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chỉ sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước thuộc EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Ngành thủy sản đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ tấm “thẻ vàng” IUU

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa từ năm 2020 do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và việc Anh rời EU. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong thời gian bị áp “thẻ vàng”, 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan mà còn tốn thêm chi phí như phí kiểm tra nguồn gốc, phí lưu giữ cảng…

Ngoài ra, cảnh báo từ EU kéo theo những thị trường khác cũng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, việc gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là để giữ thị trường xuất khẩu và sau nữa sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Gian nan gỡ “thẻ vàng” IUU

Trên thực tế, sau 5 năm bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã bắt tay ngay vào các giải pháp khắc phục. Nhờ đó, việc quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp. Đến nay, tổng số tàu cá toàn quốc đã thực hiện đánh dấu đạt 96,5%.

Việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển cũng có chuyển biến. Tính đến ngày 25/9/2022, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 95,29%, tăng 5,03% so với trước. Các tỉnh đã thực hiện có kết quả như: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định việc triển khai gỡ thẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế, so với sản lượng hải sản khai thác 3,67 triệu tấn năm 2021 thì mới kiểm soát được khoảng 15 – 18%. Khi các cảng không đáp ứng được công tác bốc dỡ thì rất khó để kiểm soát sản lượng và truy xuất nguồn gốc.

Việc trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá còn thiếu đồng bộ, thực hiện quy định về quản lý thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá chưa đảm bảo. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến, tàu cá vượt ranh giới trên biển phát hiện qua VMS nhưng kết quả điều tra, xử phạt rất ít.

Nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt Hệ thống giám sát tàu cá thấp hơn trung bình cả nước như Hải Phòng (89,25%), Nam Định (88,2%) TP HCM (87,5%), Trà vinh (87,92%), Bạc Liêu (89,11%)… Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảnh báo, tất cả các địa phương nếu không cùng quyết liệt đồng hành thì đừng mong gỡ thẻ vàng IUU.

Chỉ còn 3 tuần nữa, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” trong đánh bắt thủy hải sản. Chưa biết kết quả thanh tra và quyết định của EU sắp tới sẽ theo chiều hướng nào nhưng ngành xuất khẩu hải sản từ đầu năm tới nay đang vô cùng chật vật, nếu để bị chuyển sang thẻ đỏ thì sẽ có nguy cơ mất thị trường EU. Và như vậy, mỗi năm Việt Nam sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thủy sản sang EU.