VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm, Nasdaq giảm 5%

Chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm, Nasdaq giảm 5%

09:40 - 06/05/2022

Nhà đầu tư bán tháo chứng khoán Mỹ, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, sau khi đánh giá lại kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Hôm thứ Năm, thị trường chứng khoán Mỹ có bước quay đầu lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch, với chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong năm nay chỉ 24 giờ sau khi đạt mức tăng lớn nhất kể từ năm 2020.

Sự đảo ngược đó làm tiêu tan tâm lý hưng phấn ở Phố Wall hôm thứ Tư, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương này hiện không xem xét khả năng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại một cuộc họp trong tương lai. Với lạm phát ở mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1980, các thị trường đã cân nhắc đến khả năng này và bình luận của ông Powell tạo ra một làn sóng mua vào dữ dội cuối buổi chiều.

Sự lạc quan đó biến mất hôm thứ Năm, khi nhà đầu tư bán tháo trên diện rộng, mạnh nhất đối với cổ phiếu công nghệ. Từ đầu năm nay, các cổ phiếu này đã gặp khó khăn sau nhiều năm dẫn đầu đà tăng trưởng của thị trường.

Tesla giảm 8,3% và Amazon.com giảm 7,6%. Cổ phiếu ngân hàng – một chỉ báo quan trọng của kỳ vọng kinh tế – giảm 2,7%, theo chỉ số KBW Nasdaq. Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ hơn giảm 4%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc vào thứ Năm sau khi tăng mạnh chiều thứ Tư.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc vào thứ Năm sau khi tăng mạnh chiều thứ Tư. Nguồn: WSJ.

Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors, cho biết: “Thị trường ngày hôm qua là một đợt phục hồi giải tỏa căng thẳng”. Sáng thứ Năm, theo bà, nhà đầu tư bắt đầu tính đến thực tế rằng môi trường sẽ thách thức hơn đối với cổ phiếu, bao gồm lãi suất cao hơn, mục tiêu lợi nhuận khó khăn và đồng USD mạnh hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia.

Đợt bán tháo hôm thứ Năm là ví dụ mới nhất về sự biến động thường thấy trên thị trường trong năm nay và thể hiện tâm lý bất an liên quan đến chiến dịch tăng lãi suất của Fed, nhằm đảo ngược nhiều năm thực hiện chính sách nới lỏng.

Chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 647,16 điểm, tương đương 5%, xuống 12.317,69, mức giảm phần trăm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 6/2020. S&P giảm 153,30 điểm, tương đương 3,6%, xuống 4.146,87 và Dow giảm 1.063,09 điểm, tương đương 3,1%, xuống 32.997,97, xóa bỏ mức tăng hôm thứ Tư. Theo Dữ liệu thị trường Dow Jones, các chỉ số chính đã giảm từ 7,02 đến 9,38 điểm phần trăm từ mức cao nhất của thứ Tư xuống mức thấp nhất của thứ Năm – mức dao động lớn nhất kể từ nửa đầu năm 2020.

Sự lao dốc này diễn ra một ngày sau khi các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tăng vọt, với chỉ số Dow có thêm hơn 900 điểm, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2020. Vào thứ Tư, Fed đã phê duyệt mức tăng lãi suất nửa điểm phần trăm, nâng lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi mục tiêu từ 0,75% đến 1%.

“Fed đang giảm thanh khoản trên thị trường, và điều đó làm tăng sự biến động, và vì vậy đây có thể là bình thường mới của chúng ta cho đến khi Fed kiểm soát được lạm phát và thay đổi chính sách”, theo John Ingram, giám đốc đầu tư và đối tác tại Crestwood Advisors.

Ngay cả khi Fed không cân nhắc tăng lãi suất nhanh hơn nửa điểm phần trăm trong những tháng tới, nhà đầu tư vẫn đang đối mặt với việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ năm 2000. Mặc dù nhiều nhà đầu tư nói rằng nền tảng thị trường khi đó khác hẳn so với hiện tại – với định giá cao hơn trong bong bóng dot-com – họ vẫn nhận thức được rằng năm đó kết thúc với mức giảm mạnh của các chỉ số chính.

Nhiều nhà đầu tư hiện đang đặt câu hỏi về việc Fed có thể tăng lãi suất cao đến mức nào trong 2 năm tới, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, và điều đó có thể lan tỏa ra sao trên toàn nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

Vào thứ Năm, tâm lý bồn chồn đó xuất hiện trên khắp thị trường. Cổ phiếu tăng trưởng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Các nhà sản xuất chip AMD, Nvidia và NXP đều giảm ít nhất 4%. Cổ phiếu công nghệ siêu lớn cũng giảm, với Meta Platforms mất 6,8%, Netflix mất 7,7% và Apple mất 5,6%.

Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu công nghệ vì khiến lợi nhuận trong tương lai của các công ty này giảm giá trị. Nhìn chung, lãi suất cao hơn khiến các tài sản an toàn trở nên hấp dẫn hơn.

Đi ngược lại xu hướng, cổ phiếu của Twitter tăng 2,7% sau khi CEO Tesla Elon Musk cho biết ông đã nhận được thư từ các nhà đầu tư cam kết tài trợ hơn 7 tỷ USD để tăng phần vốn chủ sở hữu trong đề nghị mua lại công ty của ông. Tháng trước, Twitter đã chấp nhận một thỏa thuận với ông Musk để tiếp quản công ty với giá 54,20 USD/cổ phiếu.