VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chỉ số Nasdaq giảm mạnh

Chỉ số Nasdaq giảm mạnh

21:30 - 30/04/2022

Chỉ số thiên về cổ phiếu công nghệ Mỹ giảm hơn 4% ngày thứ Sáu, mất tổng cộng 13% trong tháng 4.

Đợt lao dốc tháng 4 của cổ phiếu công nghệ Mỹ tiếp tục vào thứ Sáu, kéo Chỉ số Tổng hợp Nasdaq xuống mức giảm theo tháng tệ nhất trong hơn một thập kỷ, khi lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng làm dấy lên lo ngại về suy thoái.

Đà bán tháo trên diện rộng làm bốc hơi hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa khỏi các cổ phiếu công nghệ. Nhà đầu tư không còn mặn mà với nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ phần mềm, mạng xã hội đến chất bán dẫn.

Chỉ số Nasdaq giảm 4,2% hôm thứ Sáu, đưa mức lỗ trong tháng lên hơn 13% – tệ nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ số này giảm 21% từ đầu năm 2022, ghi nhận sự khởi đầu tệ nhất trong một năm.

Chỉ số S&P 500 rộng hơn giảm trong 4 tuần liên tiếp, mất 8,8% trong tháng 4 và đưa mức lỗ trong kể từ đầu năm lên 13%. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 4,9% trong tháng này và giảm hơn 9% trong năm nay. Cả 2 chỉ số đó đều ghi nhận tháng tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh từ đầu năm đến nay, với chỉ số Nasdaq mất hơn 20%. Nguồn: TradingView.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh từ đầu năm đến nay, với chỉ số Nasdaq mất hơn 20%. Nguồn: TradingView.

Sự sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu công nghệ đối nghịch với xu hướng những năm gần đây. Các nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu của một số công ty công nghệ lớn nhất, vốn là con cưng của thị trường chứng khoán trong phần lớn thập kỷ qua và thúc đẩy mức tăng của các chỉ số trong đại dịch. Chỉ trong vòng vài tháng, một số cổ phiếu tốt nhất trở thành cổ phiếu xấu. Netflix giảm 49% trong tháng 4. Nvidia giảm 32%. PayPal Holdings giảm 24%. Cả 3 cổ phiếu đều giảm hơn 35% trong năm 2022.

Những lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất, lạm phát tăng vọt và xu hướng của nền kinh tế khiến cổ phiếu giảm mạnh so với mức kỷ lục hồi đầu năm. Nhiều cổ phiếu tăng cao trong thời đại dịch bị kéo về mặt đất khi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh gần đây gây thất vọng ở một số công ty đáng chú ý, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh trong một ngày. “Chúng ta đang bước vào một thị trường biến động mạnh hơn, khi các yếu tố cơ bản lại quan trọng”, Aashish Vyas, giám đốc đầu tư tại Resonanz Capital, cho biết. “Có vẻ như chúng ta đang có một sự thay đổi mang tính hệ thống”.

Các cổ phiếu FAANG – bao gồm Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Apple, Amazon.com, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) – mất tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong tháng này, nhiều nhất kể từ khi Facebook bắt đầu giao dịch vào tháng 5/2012.

Các nhà đầu tư cho biết họ sẽ theo dõi những báo cáo lợi nhuận tiếp theo trong những ngày tới để tìm xem có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ những công ty khác hay không. Cho đến nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp đã công bố kết quả tăng 7% trong quý I/2022 so với một năm trước – tỷ lệ thấp nhất kể từ quý IV/2020.

Cổ phiếu Amazon giảm 14% vào thứ Sáu, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2006, nâng mức giảm trong năm lên 26%. Công ty công bố khoản lỗ theo quý đầu tiên trong 7 năm. Kết quả này phản ánh xu hướng kinh tế chung liên quan đến sự sụt giảm trong mua sắm trực tuyến, chi phí cao hơn do lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như lo ngại của thị trường đối với những startup ô tô điện. Apple cảnh báo hôm thứ Năm rằng phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc có nguy cơ cản trở doanh số bán hàng tới 8 tỷ USD trong quý hiện tại. Cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone giảm 3,7% vào thứ Sáu và giảm 11% trong năm. Tuần trước, cổ phiếu Netflix giảm hơn 30% chỉ trong một phiên sau khi báo cáo cho thấy công ty giảm số thuê bao. Do tỷ trọng cao của cổ phiếu công nghệ lớn so với các ngành khác, sự giảm sút của những cổ phiếu này có tác động lớn lên thị trường.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự biến động là lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhanh. Lợi tức trên trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,885% vào cuối tháng 4, ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2009. Lợi suất của tài sản an toàn cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng, vì lợi nhuận của các công ty này đến xa hơn trong tương lai.

Trong phần lớn thời gian của tháng, nhiều nhà giao dịch và theo dõi thị trường cũng chú ý vào một vấn đề khác: diễn biến xung quanh Twitter và kế hoạch mua lại của CEO Tesla Elon Musk. Cả 2 cổ phiếu này đều biến động mạnh: cổ phiếu Twitter tăng 27% trong tháng 4 và dẫn đầu chỉ số S&P 500, trong khi cổ phiếu Tesla giảm 19%.

Nhiều nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư ngày càng lo ngại về suy thoái kinh tế, dẫn đến sự biến động trên các thị trường toàn cầu. Chiến tranh ở Ukraine khiến giá cả hàng hóa tăng cao khi lạm phát đã ở mức cao nhất trong 40 năm. Trong khi đó, Fed phải đối mặt với một vấn đề nan giải là kiềm chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất trong khi không làm mất động lực tăng trưởng của nền kinh tế. “Lo ngại về suy thoái đang tăng mạnh”, Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia đầu tư tại The Leuthold Group, cho biết. “Tôi nghĩ rằng có nhiều nỗi sợ hãi ngoài kia hơn mức cần thiết”.

Dữ liệu GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ gần đây lần đầu tiên thu hẹp kể từ giai đoạn đầu của đại dịch. Trong khi đó, lạm phát tăng tốc vào tháng 3 lên mức nhanh nhất kể từ năm 1982. Mặc dù giá cả cao hơn, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3 tăng 1,1% so với tháng trước, cho thấy các hộ gia đình đang hấp thụ lạm phát cao.

Một số nhà đầu tư cho biết cổ phiếu của một số công ty công nghệ trông hấp dẫn hơn sau đợt bán tháo gần đây và họ sẽ cân nhắc mua cổ phiếu. Chỉ số Nasdaq hiện giảm 23% so với mức đỉnh và giao dịch ở mức chưa từng thấy kể từ năm 2020.

Sự biến động lớn không chỉ xảy ra với cổ phiếu công nghệ. Giới đầu tư trên toàn cầu đang lo lắng trước sự chuyển dịch mạnh mẽ đối với các loại tài sản từ ngoại hối đến trái phiếu. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD tăng vọt trong khi đồng yên giảm giá. Đồng yên – nơi trú ẩn thông thường cho các nhà đầu tư trên toàn cầu – gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD, làm ảnh hưởng đến những động lực thường thấy trên các thị trường toàn cầu và gây bất an cho nhà đầu tư.