VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chỉ số USD xuống mức thấp nhất ba tháng

Chỉ số USD xuống mức thấp nhất ba tháng

09:28 - 19/05/2021

Các nhà giao dịch ngoại hối tin tưởng các tuyên bố của Fed về tiếp tục hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Một chỉ số USD phổ biến đã giảm dưới mốc quan trọng vào thứ Ba, tiến sát mốc đáy trong 3 tháng gần đây.

Chỉ số USD của công ty dịch vụ tài chính ICE, thước đo của đồng USD với rổ sáu đồng tiền lớn khác, đã giảm 0,4% xuống 89,82 sau khi giao dịch ở mức 89,69, chỉ cao hơn một chút so với mức đáy 89,68 xác lập vào cuối tháng 2.

Brad Bechtel, người đứng đầu toàn cầu bộ phận tiền tệ tại Jefferies, cho biết: “Chủ đề rộng hơn là sự suy yếu của USD và tôi kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra khi thông tin về CPI tuần trước lắng xuống”.

Bechtel đang nói đến chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tuần trước, đã tăng cao hơn dự kiến, ở mức ​​4,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Tư. Chỉ số này đã gây ra một đợt biến động trên các thị trường và nghi ngờ về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm có động thái nhằm dập tắt áp lực giá cả. Mặc dù trước đó, Fed đã cam kết để nền kinh tế tăng nóng và lạm phát vượt mục tiêu 2%, cho phép thị trường lao động phục hồi hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các quan chức Fed, trong các thông báo công khai kể từ khi có dữ liệu CPI, phần lớn cho rằng vẫn còn quá sớm để các nhà hoạch định chính sách bắt đầu suy nghĩ về việc giảm các gói hỗ trợ tiền tệ bất thường.

Các nhà phân tích cho biết, áp lực lên lãi suất thực (lãi suất điều chỉnh theo lạm phát) đang chi phối đồng USD.

Điều đó “không có nghĩa là chúng ta sẽ không có thêm các đợt lo ngại vì lạm phát và không chắc chắn trên thị trường khi lạm phát thực sự cao và Fed tiếp tục xem xét mọi thứ chỉ là tạm thời”, Bechtel viết. “Nhưng trong môi trường này, không gian lãi suất thực vẫn sẽ ổn định hoặc thậm chí thấp hơn một chút và điều đó sẽ tạo ra phạm vi cho sự suy yếu của USD”.

Diễn biến chỉ số USD trong những tháng gần đây

Diễn biến chỉ số USD trong những tháng gần đây

Trong khi đó, đồng euro, đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số USD của ICE, đã tăng 0,6%, giao dịch ở mức 1,223 USD/euro, mức cao nhất kể từ ngày 25 tháng 2, theo FactSet. Đồng euro đang được hỗ trợ khi các nước châu Âu triển khai tốt hơn các nỗ lực tiêm chủng. Một động lực khác cho đồng tiền này là dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bắt đầu quá trình thu hẹp các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của riêng mình liên quan đến đại dịch sớm nhất là vào tháng sau.

“Không giống như Fed, ECB không tỏ ra thống nhất khi nói đến quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về việc các giao dịch mua trái phiếu sẽ được thu hẹp khi nào và điều này đang làm trầm trọng thêm sự suy yếu của đồng USD so với đồng euro”, Raffi Boyadjian, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại XM, cho biết trong một ghi chú.

Đồng Bảng Anh cũng đang có xu hướng đi lên, tăng 0,4% lên mức 1,4192 USD trong thời gian gần đây. Ngân hàng Trung ương Anh đầu tháng này đã thực hiện một bước hướng tới việc cắt giảm các đợt mua tài sản. Nhờ vậy, đồng bảng Anh đang tiến gần mức cao nhất trong tháng Hai là 1,4325 USD, Boyadian cho biết.

Với việc Vương quốc Anh nới lỏng hơn nữa các hạn chế liên quan đến đại dịch đối với đi lại và các hoạt động kinh tế, các nhà đầu tư đang bỏ qua sự lây lan ngày càng nhanh của một biến thể COVID được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, ông nói.

Chỉ số USD đã giảm 0,6% trong tháng này và 1,7% so với đầu năm. Trước đó, chỉ số này đã từng phục hồi trên 93 vào tháng 3 khi Mỹ bắt đầu vượt xa phần còn lại của thế giới trong nỗ lực tiêm vắc xin.

Ở thị trường trong nước, tỷ giá USD không có nhiều thay đổi. Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.920 đồng (mua vào) và 23.150 đồng (bán ra) trong sáng 19/5, giữ nguyên so với ngày 18/5.