VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chiến tranh thương mại bùng nổ trên toàn thế giới ở tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ

Chiến tranh thương mại bùng nổ trên toàn thế giới ở tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ

15:00 - 28/03/2025

Thuế quan giữa Mỹ, Trung Quốc và các đối tác thương mại của họ gợi nhớ đến vòng xoáy bảo hộ trong thập niên 1930.

Rào cản đối với thương mại mở đang gia tăng trên toàn thế giới với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, gợi nhớ đến cơn sốt bảo hộ trong thập niên 1930 đã làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái.

Chúng không chỉ gồm các thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump – đã gây ra một loạt các biện pháp trả đũa trên khắp châu Âu, Trung Quốc và Canada nhắm vào hàng trăm mặt hàng của Mỹ.

Ngay cả trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều nước đã gia tăng các rào cản thương mại, thường chống lại Trung Quốc, khi họ cố gắng đẩy lùi làn sóng xe điện, thép và những mặt hàng khác gây áp lực lên các ngành sản xuất trong nước của mình.

Những biện pháp đó ngày càng được dùng nhiều hơn khi các nước chuẩn bị cho một làn sóng hàng hóa bị chuyển hướng do thuế quan cao hơn của Mỹ. Trong tháng này, Liên minh châu Âu cho biết họ dự định siết chặt những biện pháp nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm của mình khỏi hàng nhập khẩu bị chuyển hướng khỏi Mỹ do thuế 25% của ông Trump đối với hai loại kim loại này.

Các nhà kinh tế và sử học cho rằng làn sóng những động thái gần đây cho thấy thế giới có thể đang hướng đến đợt tăng bảo hộ thương mại mạnh nhất và rộng nhất kể từ khi Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 của Mỹ khiến các nước xây những hàng rào thuế quan cho đến sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Các nhà kinh tế không nghĩ rằng thế giới sẽ hướng đến một cuộc Đại suy thoái mới hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào gần như vậy, hay sự sụp đổ của thương mại toàn cầu như thập kỷ 1930. Mức thuế quan trung bình toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với các thập niên 1930 và 1940.

Nhưng họ cảnh báo sẽ có thiệt hại lâu dài, cả về mặt kinh tế và ngoại giao, khi thuế quan và những rào cản khác đối với thương mại gia tăng. Các rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao hơn và sự sụp đổ trong hợp tác toàn cầu làm rạn nứt thêm các liên minh lâu đời.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – có nguồn gốc từ thỏa thuận sau Thế chiến II giữa các quốc gia tiên tiến nhằm hạn chế chính sách “bần cùng hóa làng giếng” của thập niên 1930 – đã mất phần lớn khả năng làm trọng tài giải quyết tranh chấp và thúc đẩy cho sự hội nhập.

Ông Trump – thường nói rằng thương mại tự do đã cho phép các nước khác chiếm mất việc làm và các ngành công nghiệp của Mỹ – đang chuẩn bị đưa cuộc chiến thương mại của mình lên một tầm cao mới và có nguy cơ bị trả đũa cao hơn nhiều. Ông đã nói rằng ông muốn đánh thuế nhập khẩu chất bán dẫn, thuốc và ô tô, và chuẩn bị công bố một kế hoạch vào ngày 2/4 để nhắm vào các đối tác thương mại lớn của Mỹ bằng thuế “đối ứng” để đáp lại thuế quan và những điều khác mà ông cho là rào cản với hàng hóa Mỹ.

Ngoài nhiều bước đi nổi bật chống lại Mỹ trong những tuần gần đây – như Canada đánh thuế với máy tính và đồ thể thao Mỹ – nhiều nước cũng tăng cường áp lực lên Trung Quốc.

Vào tháng 2, Hàn Quốc và Việt Nam đã áp dụng các thuế quan trừng phạt mới đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất trong nước phàn nàn về cạnh tranh giá không công bằng. Tương tự, Mexico đã bắt đầu một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hóa chất và tấm nhựa của Trung Quốc, trong khi Indonesia chuẩn bị áp thuế mới với nylon dùng trong bao bì nhập khẩu từ Trung Quốc và những nước khác.

Ngay cả một nước đang bị trừng phạt như Nga cũng tìm cách ngăn dòng xe ô tô Trung Quốc, bất chấp mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng thuế đối với việc thanh lý xe nhập khẩu, dẫn đến tăng giá thành của chúng. Hơn một nửa số xe mới bán ra ở Nga được sản xuất ở Trung Quốc, so với tỷ lệ dưới 10% trước cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của nước này.

“Có vẻ như chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một cuộc chiến thương mại rộng hơn nhiều, nếu không muốn nói là toàn diện”, theo Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell và cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong bối cảnh thù địch mới này, “mỗi quốc gia tự lo cho mình”, ông Prasad nói.

Cầu Thương mại Thế giới Quốc tế trên biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: Christopher Lee/WSJ.

Cầu Thương mại Thế giới Quốc tế trên biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: Christopher Lee/WSJ.

Theo Global Trade Alert, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ theo dõi chính sách thương mại quốc tế, vào ngày 1/3, có 4.650 hạn chế nhập khẩu có hiệu lực trong số các nền kinh tế hàng đầu nhóm G20, bao gồm thuế quan, thuế chống bán phá giá, hạn ngạch và những biện pháp khác. Con số này tăng 75% kể từ năm 2016 khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu, và gần 10 lần so với cuối năm 2008.

Tại Mỹ, hơn 90% trong số 5.200 danh mục sản phẩm phải chịu các hạn chế nhập khẩu có hại, tăng từ 50% so với thời điểm trước nhiệm kỳ đầu của ông Trump, theo dữ liệu của Global Trade Alert. Theo Tax Foundation – một viện nghiên cứu chuyên xem xét chính sách thuế – thuế quan trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ hiện đã trở lại mức của năm 1946, so với 1,5% khi ông Trump mới nhậm chức vào năm 2016.

Nếu ông Trump thực hiện tất cả các lời đe dọa áp thuế còn lại của mình, thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ có thể đạt trung bình 18%, theo ước tính của Fitch Ratings – cao nhất trong 90 năm.

Vào thập niên 1930, thuế quan là hồi chuông báo tử cho thương mại toàn cầu, vốn đã sụp đổ khi các nền kinh tế lớn chìm vào suy thoái và thất nghiệp hàng loạt. Đạo luật Smoot-Hawley – một nỗ lực bảo vệ các trang trại và nhà máy của Mỹ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài – đã mở đường cho việc tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ lên khoảng 20%. Các nền kinh tế lớn sau đó gia tăng rào cản thương mại nhằm đáp trả.

Sau chiến tranh, vào năm 1947, khoảng 20 nước bao gồm Mỹ ký Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) nhằm hạ rào cản đối với thương mại quốc tế và tái thiết nền kinh tế thế giới đã bị phá hủy. Thuế quan trung bình giữa các nền kinh tế lớn giảm từ khoảng 22% năm 1947 xuống còn 14% năm 1964 và xuống còn 3% năm 1999. Năm 1995, WTO đã thay thế GATT.

Việc giảm thuế quan dẫn đến thương mại toàn cầu phát triển, giúp hạ giá cả cho người tiêu dùng. Nhưng nó cũng bị đổ lỗi là nguyên nhân làm suy yếu công nghiệp ở các nền kinh tế tiên tiến khi việc làm chuyển sang những nơi có chi phí thấp hơn như Trung Quốc.

Điều đó gây ra phản ứng, dẫn đến các thuế quan mới trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu, và nhiều thuế quan trong đó tiếp tục được áp dụng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Đồng thời, nhiều nước cũng nhắm vào Trung Quốc – nơi mà nền kinh tế trong nước không đủ mạnh để hấp thụ hết hàng hóa họ sản xuất ra, dẫn đến một cơn lốc hàng giá rẻ trên toàn thế giới.

Khi rào cản với thương mại gia tăng, các rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn. Ảnh: Eric Thayer/Bloomberg News

Khi rào cản với thương mại gia tăng, các rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn. Ảnh: Eric Thayer/Bloomberg News

Đòn tấn công mới nhất của ông Trump bao gồm thuế 25% đối với Mexico và Canada và 20% đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp như thuế quan với đậu nành của Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch áp thuế 50% đối với rượu whisky và xe máy của Mỹ bắt đầu từ ngày 1/4.

Đối với ông Trump, những thập kỷ mà thương mại toàn cầu mở rộng là một thảm họa đối với Mỹ. Mục tiêu của ông là xóa bỏ thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, Mexico, Việt Nam và EU, và khôi phục sức mạnh sản xuất của Mỹ trong mọi lĩnh vực, từ chip máy tính đến tàu container.

Tổng thống và những người ủng hộ ông nói rằng các chính sách này sẽ tạo ra việc làm mới, thúc đẩy đầu tư vào Mỹ và mở ra một kỷ nguyên sức mạnh kinh tế mới.

So với thập niên 1930, hậu quả của cuộc chiến thương mại đang lan rộng có thể ít đau đớn hơn, do những thay đổi trong nền kinh tế thế giới. Đối với nhiều nước giàu, dịch vụ quan trọng hơn hàng hóa và các ngân hàng trung ương và chính phủ đã học được cách ổn định nền kinh tế bằng biện pháp kích thích.

Một số nước như Úc và Nhật Bản chưa trả đũa các sắc thuế mới của ông Trump vì lo ngại tác động tiêu cực lên chính nền kinh tế của mình. Cách đối phó thực dụng như vậy có thể ngăn chặn cuộc chiến thương mại vượt tầm kiểm soát, theo Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại HSBC ở Hong Kong.

Sàn giao dịch chứng khoán New York. Thuế quan đang tạo ra sự bất ổn và gây tổn hại cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Spencer Platt/Getty Images.

Sàn giao dịch chứng khoán New York. Thuế quan đang tạo ra sự bất ổn và gây tổn hại cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Spencer Platt/Getty Images.

Tuy nhiên, xung đột thương mại ngày càng gia tăng tạo ra bất ổn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, bóp nghẹt chi tiêu, đầu tư và tuyển dụng. Tại Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đang giảm sút, thị trường chứng khoán giảm điểm và các cuộc khảo sát cho thấy ý định đầu tư của các doanh nghiệp đang suy yếu.

Nhà sản xuất ô tô Đức BMW gần đây cho biết họ dự kiến ​​sẽ chịu thiệt hại 1 tỷ euro, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD, do thuế của Mỹ đối với Mexico và thép nhập khẩu, và thuế của EU đối với xe điện sản xuất ở Trung Quốc.

“Nếu bạn lạm dụng thuế quan, nó sẽ tạo ra một vòng xoáy tiêu cực cho tất cả những người tham gia thị trường”, Tổng giám đốc BMW Oliver Zipse cho biết. “Không có người chiến thắng trong trò chơi đó”.

Nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị chia rẽ thành các khối, với dòng chảy vốn và thương mại ngày càng bị giới hạn giữa các đồng minh địa chính trị.

Tuần trước, Fitch Ratings cho biết họ dự kiến ​​tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay, xuống còn khoảng 2,4%, từ mức 2,9% trong năm 2024, với lý do là những tác động nhiều khả năng xảy ra do cuộc chiến thương mại leo thang ở Mỹ và nhiều nơi khác.

Các yếu tố khác có thể duy trì động lực cho thuế quan. Nhiều nền kinh tế phương Tây muốn bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng như xe điện, công nghệ xanh và chất bán dẫn khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Nhiều nước muốn sử dụng thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng như xe điện. Ảnh: David Ryder/Bloomberg News.

Nhiều nước muốn sử dụng thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng như xe điện. Ảnh: David Ryder/Bloomberg News.

Trong khi đó, cuộc xâm lược Ukraine của Nga và sự đòi hỏi của ông Trump rằng châu Âu phải chịu thêm gánh nặng bảo vệ mình đang làm hồi sinh chi tiêu quân sự, bao gồm việc ưu tiên các công ty trong nước, và mong muốn khả năng tự chủ kinh tế cao hơn.

“Câu chuyện trong những năm 1990 là sự hội nhập khiến châu Âu và Mỹ tốt hơn và các thách thức của thế giới sẽ được giải quyết chung. Điều đó đã không còn nữa”, theo Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics. Các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm năng lực hành động độc lập, ông cho biết.

Sẽ khó trở lại được mức độ cởi mở thương mại như một thập kỷ trước, ngay cả nếu các quốc gia muốn như vậy. Trọng tài thương mại của thế giới, WTO, đã bị Washington gạt ra ngoài lề, cáo buộc tổ chức này can thiệp quá mức vào các quyết định chính sách trong nước và từ chối phê duyệt các thẩm phán vào hội đồng phúc thẩm cao nhất của WTO kể từ năm 2019. Những nỗ lực lớn và đa phương nhằm giảm rào cản thương mại mà WTO từng dẫn dắt nhiều khả năng sẽ là chuyện của quá khứ.

Người phát ngôn WTO Ismaila Dieng cho biết các nước thành viên tiếp tục giải quyết tranh chấp thông qua các kênh khác tại tổ chức này. Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã cho biết tổ chức này được thành lập để xử lý những thời điểm như thế này và ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Khó hạ các rào cản thương mại sau khi dựng lên, theo Douglas Irwin, giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth và tác giả của một cuốn sách về lịch sử chính sách thương mại của Mỹ. Đó là vì mọi hạn chế thương mại đều có thể là một con bài mặc cả, nên không ai muốn “giải giáp đơn phương”, ông nói.

Cùng với những yếu tố gồm sự cạnh tranh địa chính trị, đặc biệt là với Trung Quốc, và các ưu tiên trong nước như tái thiết công nghiệp và tái vũ trang, thì cơ hội để hạ nhiệt cơn sốt bảo hộ hiện tại có vẻ rất thấp.

“Đó là lý do tại sao tôi lo ngại rằng kịch bản hạ nhiệt thực sự rất khó khăn”, ông Irwin cho biết.

Theo:

https://www.wsj.com/economy/trade/trade-war-explodes-across-world-at-pace-not-seen-in-decades-0b6d6513