VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chính phủ muốn giữ nợ công không quá 60% GDP đến năm 2030

Chính phủ muốn giữ nợ công không quá 60% GDP đến năm 2030

09:26 - 22/06/2022

Chiến lược về nợ công đến năm 2030 đặt mục tiêu nợ công không quá 60% GDP và nợ nước ngoài không quá 45% GDP.

Trong hai ngày 20-21/6, tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tổ chức hội nghị phổ biến Chiến lược về nợ công đến năm 2030.

Chiến lược nợ công được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 cùng với các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, chiến lược đặt ra một số chỉ tiêu cân đối lớn như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP.

Nợ công cuối năm 2020 tương đương 55,9% GDP, nợ nước ngoài chiếm 47,3% GDP.

Nợ công cuối năm 2020 tương đương 55,9% GDP, nợ nước ngoài chiếm 47,3% GDP.

Chiến lược cũng đề ra một số quan điểm và mục tiêu chính trong quản lý nợ công. Theo đó, về mục tiêu, đến năm 2030, phấn đấu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không vượt quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

Về quan điểm, chiến lược nợ bám sát Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công theo kế hoạch trung hạn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; bảo đảm khả năng trả nợ, chủ động cơ cấu lại danh mục nợ và tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nợ công.

Ngoài ra, Chiến lược nợ công cũng đề ra 6 định hướng lớn trong huy động và sử dụng vốn vay, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chiến lược, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ quản lý nợ; tổ chức triển khai các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại; huy động, quản lý và sử dụng nợ có hiệu quả; phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước; quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thông tin.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang giảm dần trong những năm trước. Đến cuối năm 2020, nợ công tương đương 55,9% GDP, nợ nước ngoài chiếm 47,3% GDP.

Tính đến hết tháng 6/2021, nợ Chính phủ lên tới hơn 3,1 triệu tỷ đồng, trong đó vay nước ngoài hơn 1,1 triệu tỷ đồng, vốn vay trong nước hơn 2 triệu tỷ đồng. Theo bên cho vay, chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản với hơn 333 nghìn tỷ đồng, Hàn Quốc, Pháp và Đức cho vay lần lượt hơn 33 nghìn tỷ đồng, 32 nghìn tỷ đồng và 14 nghìn tỷ đồng.

Về các đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách chủ nợ với hơn 382 nghìn tỷ đồng, tiếp theo là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với hơn 193 nghìn tỷ đồng …