VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán toàn cầu có tuần tệ nhất từ tháng hai

Chứng khoán toàn cầu có tuần tệ nhất từ tháng hai

18:30 - 17/05/2021

Mặc dù đã phục hồi một phần vào cuối tuần, các chỉ số chứng khoán toàn cầu đều giảm do lo ngại về lạm phát và các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chứng khoán toàn cầu đã trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2 sau một giai đoạn không ổn định khi nỗi sợ lạm phát của Mỹ và lo ngại về chính sách thắt chặt hơn của các ngân hàng trung ương được đặt trong bối cảnh những dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chỉ số FTSE All-World của các cổ phiếu vốn hóa lớn toàn cầu tăng 1,6% vào thứ Sáu nhưng kết thúc tuần giảm 1,5%, thành tích tồi tệ nhất trong gần 3 tháng.

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 1,5% khi đóng cửa tại New York, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2 sau khi đạt kỷ lục vào thứ Sáu tuần trước. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,3% trong ngày nhưng vẫn giảm 2,3% trong tuần.

Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4, khiến cổ phiếu lao dốc trên toàn thế giới do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ can thiệp để ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng bằng cách thắt chặt chi phí cho vay.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed khẳng định những cú sốc của lạm phát có thể chỉ là tạm thời khi ảnh hưởng của các hạn chế xã hội trong năm ngoái tác động đến nền kinh tế.

Christopher Waller, một thống đốc của Fed, cho biết: “Chúng ta cần phải là ngân hàng trung ương kiên nhẫn, kiên định và không bị đánh lừa bởi những bất ngờ về dữ liệu tạm thời”.

Sự phục hồi một phần trên các thị trường chứng khoán toàn cầu vào thứ Năm và thứ Sáu cho thấy các nhà đầu tư tin rằng “mua trong nhịp giảm là chiến lược đúng đắn vì nó đã có kết quả rất tốt trong năm qua”, Sunil Krishnan, người đứng đầu quỹ đa tài sản tại Aviva Investors, cho biết. “Nếu bạn tin vào những gì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang nói, thì đó là điều đúng đắn nên làm”.

Tuy nhiên, nếu lạm phát “không thấp hơn nhiều mức 3% trong thời gian một năm, bạn sẽ không thể thoát khỏi lực hút đối với sức mua thực tế về lâu dài”, Krishnan cảnh báo.

Chỉ số FTSE All-World của các cổ phiếu vốn hóa lớn toàn cầu giảm 1,5% trong tuần

Chỉ số FTSE All-World của các cổ phiếu vốn hóa lớn toàn cầu giảm 1,5% trong tuần. Nguồn: Financial Times

Vào thứ Sáu, cuộc khảo sát hàng tháng của Đại học Michigan về tâm lý người tiêu dùng cho thấy các hộ gia đình dự kiến ​​lạm phát sẽ đạt 4,6% trong năm nay, tăng từ 3,4% so với khi họ được hỏi vào tháng Tư. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do trường đại học này đưa ra cũng giảm xuống mức 82,8 trong tháng 5, giảm từ 88,3 vào tháng 4.

Trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng vào thứ Sáu sau khi đã tăng giá trong hai phiên giao dịch tại New York vừa qua. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, tỷ lệ nghịch với giá của nó, đã giảm gần 0,04 điểm phần trăm xuống 1,63%.

Tại châu Âu, chỉ số cổ phiếu khu vực Stoxx 600 đóng cửa tăng 1,2%, kết thúc một tuần đầy biến động với mức giảm 0,5%.

Tại châu Á, chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương giảm 3,2% trong tuần, và hiện giảm 2,7% trong tháng 5. Đây có thể là mức giảm theo tháng tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2020.

Kasper Elmgreen, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu tại Amundi, cho biết ông “thận trọng” về thị trường chứng khoán trong thời gian tới vì phần lớn sự phục hồi của các nước phát triển đã được đưa vào định giá cổ phiếu.

Elmgreen chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đã điều chỉnh vào cuối tháng 3 sau sự phục hồi kinh tế sớm của nước này, khi các nhà giao dịch chốt lời và dự báo sẽ có lạm phát.

Chỉ số đô la, đo lường tỷ giá đồng bạc xanh so với một rổ các đồng tiền lớn, giảm 0,35% sau khi tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ đình trệ vào tháng 4. Đồng euro tăng 0,5% so với đồng USD, ở mức 1,2143 USD/euro. Đồng bảng Anh tăng 0,3% lên 1,4094 USD.

Giá dầu thô Brent tăng 2,5% lên 68,71 USD/thùng.