VNReport»Kinh tế»Chuỗi cung ứng châu Á trỗi dậy giữa khủng hoảng

Chuỗi cung ứng châu Á trỗi dậy giữa khủng hoảng

17:14 - 23/09/2022

Trong khi thế giới đang lo lắng về sự sụp đổ của các chuỗi cung ứng toàn cầu và mối đe dọa về sự mất cân bằng trong bối cảnh Mỹ tìm cách đưa các hoạt động sản xuất về nước, thương mại vẫn đang bùng nổ tại các quốc gia châu Á.

Theo nhận định từ Bloomberg, bất chấp khủng hoảng và dịch bệnh, các chuỗi cung ứng vẫn phát triển mạnh mẽ ở một số khu vực, đặc biệt là ở châu Á. Kết quả này đến từ việc các doanh nghiệp ở châu Á đã tập trung xây dựng kho hàng dự trữ, tiến hành đa dạng hóa sản phẩm và nỗ lực duy trì quan hệ thương mại thông suốt.

Trên thực tế, các chuỗi cung ứng sẽ được mở rộng và đạt hiệu quả tốt nhất khi các nền kinh tế tăng trưởng và sản xuất được ngày càng nhiều hàng hóa có giá trị tốt hơn. Và điều này đã và đang diễn ra ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại các nền công nghiệp lớn này, các công ty ngày càng chuyên môn hóa sản phẩm theo nhu cầu của các đối tác thương mại, đồng thời ngày càng nhiều nhà cung cấp và các quốc gia bị thu hút vào mạng lưới các sản phẩm đa dạng được giao dịch.

Châu Á được đự báo sẽ thống trị thị trường logistics của thế giới

Theo Bank of America, dòng chảy các sản phẩm công nghệ cao, máy móc công nghiệp và tư liệu sản xuất giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đạt mức 300 tỷ USD vào năm 2021, mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ kinh tế vào năm 1992. Chỉ số Herfindahl-Hirschman, một thước đo mức độ tập trung hàng hóa của thị trường cũng cho thấy Hàn Quốc đang gửi khối lượng hàng hóa chuyên dụng lớn hơn tới nước láng giềng Trung Quốc. Thiết bị công nghiệp, máy móc có độ chính xác cao và chất bán dẫn đã chiếm gần 40% xuất khẩu của Hàn Quốc trong sáu tháng đầu năm nay. Xuất khẩu máy móc và thiết bị điện của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng đã tăng lên.

Chuỗi cung ứng châu Á bùng nổ còn xuất phát từ việc các doanh nghiệp khu vực này vẫn đang tập trung vào mục tiêu kinh doanh, liên tục phát triển các chuỗi cung ứng thay vì tiến hành điều chỉnh theo các quan điểm chính trị. Hitachi Ltd, một trong những công ty công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản với hoạt động kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc, đã bày tỏ trong thông báo về doanh thu mới nhất vào tháng 7 rằng không có sự gián đoạn chuỗi cung ứng nào ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.

Trong khi đó, đối với các công ty ở Mỹ, mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Kể từ cuối năm 2020, một loạt công ty thuộc S&P 500 đã liên tục phàn nàn về áp lực chuỗi cung ứng trong các báo cáo thu nhập của họ. Gần đây nhất là trong tháng này, các giám đốc điều hành của tập đoàn Dover Corp, Mỹ cho biết họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho khách hàng về sự chậm trễ trong nhiều đợt giao hàng do có vấn đề về chuỗi cung ứng.

Kỳ vọng vào chuỗi cung ứng đa dạng và tiếp tục phát triển rộng được dự báo chưa thể diễn ra một sớm một chiều tại Mỹ. Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật mới về chip và khoa học của chính quyền ông Biden đang nỗ lực đưa hoạt động sản xuất bên ngoài trở về nước Mỹ. Song với những biện pháp này, Mỹ có nguy cơ tự cô lập mình với một loạt các nhà cung cấp toàn cầu và tạo ra sự phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác thương mại Bắc và Nam Mỹ.

Trong bối cảnh đó, châu Á được dự đoán sẽ thống trị thị trường logistics của thế giới. McKinsey – tổ chức tư vấn quản lý toàn cầu Châu Á đã đưa ra nhận định rằng châu Á sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn so với các khu vực khác và khu vực này sẽ dần dần đảm nhiệm vai trò trung tâm của hoạt động hậu cần cả về tăng trưởng và đầu tư. Theo McKinse, đến năm 2030, châu Á sẽ chiếm hơn một nửa tăng trưởng thương mại toàn cầu. Trong những năm 2020 đến 2025, 57% tăng trưởng thị trường toàn cầu sẽ được chiếm lĩnh bởi thị trường hậu cần thương mại điện tử châu Á. Các thị trường châu Á lớn nhất về dịch vụ hậu cần sẽ tiếp tục là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Các thị trường khác như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cũng đều cho thấy tiềm năng mở rộng đáng kể.