VNReport»Kinh tế»Chuyển đổi số giúp thị trường lao động vượt qua “cú sốc”

Chuyển đổi số giúp thị trường lao động vượt qua “cú sốc”

15:35 - 28/12/2022

Việc quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển thị trường lao động bền vững.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, bức tranh về tình hình lao động trong 2 năm gần đây khá u ám do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Những tháng cuối năm 2022, thị trường lao động một lần nữa gặp “cú sốc” về chuỗi cầu do các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc, giãn việc.

Dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quí 1, thậm chí quí 2/2023. Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Chuyển đổi số giúp thị trường lao động phát triển bền vững

Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khá toàn diện, có thể kể đến như: Chính sách cho vay vốn, giãn nợ cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, trả lương cho người lao động. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, Chính phủ, các địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ cho lao động tự do…

Những chính sách phục hồi của Chính phủ được thực hiện đồng loạt đã góp phần rất đáng kể vào việc giúp thị trường vượt qua những “cú sốc” lớn. Sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện ở việc vừa ban hành chính sách mới, phù hợp với tình hình thực tế vừa gia hạn các chính sách sẵn có để công tác hỗ trợ triển khai nhanh chóng. TS. Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá rằng nếu triển khai tốt chính sách thì mục tiêu phục hồi thị trường lao động không hề khó.

Cũng theo bà Hương, trong Kỳ họp bất thường tới, Quốc hội nên có các giải pháp để phát triển thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến lao động phi chính thức vì số lượng lao động phi chính thức chắc chắn sẽ tăng mạnh ít nhất phải qua 6 tháng đầu năm 2023.

Ngay cả khi kinh tế thế giới phục hồi, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, thì lực lượng lao động phi chính thức vẫn áp đảo vì sau Covid-19, doanh nghiệp đã tái cơ cấu sản xuất, đầu tư dây chuyền, thiết bị, công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại, dần tự động hóa nên những ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, điện tử, máy tính, điện thoại… cũng không cần nhiều lao động phổ thông làm những công việc giản đơn.

Theo thống kê mới có khoảng 26% lực lượng lao động đã qua đào tạo, giải pháp cấp bách và lâu dài là phải tập trung đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động thì mới giảm được lao động phi chính thức – những người đang chịu thiệt thòi khi thu nhập bình quân chỉ bằng 50% lao động chính thức.

Đáng chú ý, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng nguyên tắc để thị trường lao động vận hành linh hoạt, hiệu quả là phải nắm được dữ liệu thông tin của người lao động. Do đó, việc quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển thị trường lao động bền vững, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu để cân đối cung cầu lao động. Bà Hương cũng kỳ vọng trong thời gian tới, các phần mềm về quản lý thông tin lao động sẽ được triển khai, trở thành cơ sở dữ liệu quan trọng để cân đối cung cầu lao động.