VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Cổ phiếu của kỳ lân công nghệ VNG bị hạn chế giao dịch

Cổ phiếu của kỳ lân công nghệ VNG bị hạn chế giao dịch

15:30 - 25/05/2023

Vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày, cổ phiếu mã VNZ của VNG chỉ được phép giao dịch vào các ngày thứ Sáu hàng tuần.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu mã VNZ của Công ty cổ phần VNG vào diện bị hạn chế giao dịch. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/5. Theo đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào các ngày thứ Sáu hàng tuần.

HNX cho biết nguyên nhân là do VNG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ hạn chót công bố thông tin theo quy định.

VNZ hiện là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán, đóng cửa phiên 24/5 ở mức 759.000 đồng. Vốn hóa thị trường đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Như vậy, VNG sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất bị hạn chế giao dịch.

Diễn biến giá cổ phiếu VNZ kể từ khi bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM.

Diễn biến giá cổ phiếu VNZ kể từ khi bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM.

Giải trình về lý do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán, VNZ cho biết phải thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và chuẩn mực Việt Nam (VAS), theo một công văn gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX. Công ty không chỉ hoạt động ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Trong số 33 công ty con của VNZ, có 14 ở nước ngoài. Vì vậy, VNZ cần nhiều thời gian để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.

VNG là công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt cột mốc kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD trở lên), theo định giá vào năm 2014 bởi World Startup Report. Năm 2019, một khoản đầu tư từ quỹ Temasek của chính phủ Singapore định giá công ty ở mức 2,2 tỷ USD. Tiền thân của VNG là công ty Vinagame thành lập vào tháng 9/2004 – kinh doanh những trò chơi trực tuyến đình đám khởi đầu là Võ Lâm Truyền Kỳ. Công ty sau đó mở rộng ra những lĩnh vực công nghệ khác với các sản phẩm gồm Zing, Zalo, ZaloPay …

VNG từng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Mỹ. Nhưng ngày 5/1 năm nay, cổ phiếu của công ty bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM trong nước với mã VNZ, giá tham chiếu 240.000 đồng. Trong 14 phiên giao dịch đầu tiên, VNZ không có lệnh bán mà chỉ có lệnh mua nên không có cổ phiếu nào được giao dịch và giá giữ nguyên ở mức 240.000 đồng.

Tuy nhiên, 11 phiên tiếp theo, VNZ bắt đầu có giao dịch và tăng trần 15%mỗi phiên, hầu hết với khối lượng tối thiểu 100 cổ phiếu/phiên. Nhờ đó, thị giá VNZ đạt đỉnh 1.358.700 đồng vào ngày 15/2 và trở thành cổ phiếu có giá cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đó, vốn hóa thị trường của công ty là 39 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.

Sau khi tạo đỉnh, VNZ quay đầu giảm và đến nay giao dịch ổn định quanh vùng giá 800.000 đồng. Khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.

Cùng với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM, tình hình kinh doanh gần đây của VNG cho thấy xu hướng đi ngang. Trong 8 quý vừa qua, doanh thu của công ty dao động quanh mức 2.000 tỷ đồng mỗi quý.

Doanh thu đi ngang, nhưng khoản lỗ của VNG ngày càng phình to. Công ty đã lỗ 6 quý liên tiếp và lỗ 8 trong 10 quý gần đây. Quý IV/2022, VNG báo lỗ kỷ lục 547 tỷ đồng, qua đó nâng tổng lỗ cả năm 2022 lên 1.315 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán. Theo báo cáo tài chính, VNG đạt được lợi nhuận gộp nhưng không đủ bù chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

Trong quý I, doanh thu thuần của công ty đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. VNG tiếp tục lỗ ròng 90 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2023.

VNG đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử, hiện có 3 công ty liên kết trong lĩnh vực này, trong đó 1 công ty lỗ lũy kế gần 90 tỷ đồng. VNG vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Công ty cho biết sẽ chốt danh sách vào ngày 6/6 và dự kiến họp vào ngày 30/6.