VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Cước vận tải biển khó hạ nhiệt vào cuối năm

Cước vận tải biển khó hạ nhiệt vào cuối năm

16:21 - 22/11/2021

Với nhu cầu mua sắm tăng cao và Covid-19 tiếp diễn trên tòa cầu, giá cước vận tải biển khó hạ nhiệt, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong năm qua, những kỷ lục về giá và cước phí trong ngành vận tải container liên tục bị phá vỡ. Riêng trong 6 tháng đầu năm, có 12 lần tăng giá, tương đương 2 lần mỗi tháng, trên các tuyến từ Việt Nam đi châu Âu và Bắc Mỹ.

Các tuyến vận chuyển trong khu vực châu Á cũng tăng so với cùng kỳ, nhưng chu kỳ tăng được đánh giá là ổn định hơn so với các tuyến xa khác. Theo chỉ số giá cước vận tải container toàn cầu – Drewry World Container Index, chi phí vận chuyển container bằng đường biển từ châu Á sang châu Âu tăng gấp gần 7-10 lần so với cùng kỳ năm 2020 gần đây. Và giá xăng dầu tăng gần đây tiếp tục ảnh hưởng đến ngành logistics.

Cước vận tải biển tăng kỷ lục trong năm qua.

Cước vận tải biển tăng kỷ lục trong năm qua.

VLA cho biết có nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt là thời điểm cuối năm, khi lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, vận tải biển sẽ khó có cơ hội hạ nhiệt. Về lâu dài, VLA hy vọng sẽ có các yếu tố chính sách và giải pháp từ các quốc gia để ổn định giá cước vận tải biển trên toàn cầu.

Chi phí nhiên liệu đè nặng lên doanh nghiệp logistics

Theo VLA, đối với các doanh nghiệp logistics, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động. Tỷ lệ này dao động từ 30-40% tùy theo loại hình vận tải. Do đó, việc giá xăng dầu tăng như hiện nay gây nhiều khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp logistics, trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từng bước khôi phục sau khi chịu tác động của đại dịch.

Khó khăn đầu tiên là chi phí hoạt động cao dẫn đến hiệu quả giảm, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ. Kể từ tháng 1, giá xăng dầu đã tăng gần 40%, tương ứng chi phí vận tải của các doanh nghiệp logistics tăng ít nhất 10%. Điều này khiến các doanh nghiệp chịu áp lực tăng giá vận tải để duy trì hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vận tải mới hồi phục và nhu cầu chưa thực sự cao thì áp lực cạnh tranh là rất lớn để giữ chân khách hàng. Các doanh nghiệp logistics chỉ có thể điều chỉnh một phần giá cước.

Khó khăn thứ hai là vấn đề về dòng tiền. Hầu hết các doanh nghiệp logistics thanh toán chi phí nhiên liệu trước và thu phí dịch vụ sau. Với việc giá xăng tăng 40%, doanh nghiệp cần thêm 10% nguồn tiền để duy trì hoạt động. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây thực sự là một áp lực lớn.

Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới, thị trường logistics có thể bị ảnh hưởng nặng nề với những hậu quả lâu dài hơn. Hệ quả tiếp theo từ việc giá xăng dầu tiếp tục tăng là giá các mặt hàng cũng bị đẩy lên, kéo theo sức mua giảm và sản lượng luân chuyển giảm tương ứng.

Khi chịu tác động của một mặt là việc tăng chi phí hoạt động, mặt khác là giảm sản lượng, các doanh nghiệp logistics sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc thù của thị trường logistics Việt Nam là phân tán với tỷ trọng lớn tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Nếu tình trạng hoạt động kém hiệu quả kéo dài, các doanh nghiệp có thể dừng hoạt động, bán bớt phương tiện để bảo toàn vốn. Đây là một bức tranh xấu cho toàn thị trường, đặc biệt là khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi sau một thời gian dài giãn cách xã hội.